Theo văn bản này, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở ban ngành kiểm tra rà soát các quy định hiện hành và các vướng mắc trong thực tế để nghiên cứu tham mưu bãi bỏ các quy định liên quan không còn phù hợp và xây dựng quy định mới để thống nhất thực hiện.
Việc quản lý, theo dõi, xử lý vi phạm, chấm dứt dự án, thu hồi chủ trương quyết định đầu tư lưu ý đến 4 nội dung cơ bản như: Cơ sở pháp lý, trình tự thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng đối với hồ sơ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư; Biểu mẫu, nội dung của quyết định chủ trương đầu tư; Xử lý, giải quyết đề xuất của doanh nghiệp về giãn tiến độ đầu tư, điều chỉnh tiến độ dự án và điều chỉnh dự án và cuối cùng là nội dung theo dõi, quản lý và xử lý vi phạm.
Thông tin đáng chú ý và giấy lên nhiều lo ngại từ phía các doanh nghiệp (DN) chủ đầu tư BĐS là yêu cầu ngăn ngừa chuyển nhượng những dự án BĐS du lịch không đúng quy định.
Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Kế hoạch- Đầu tư kiểm tra xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các phòng chuyên môn trong Sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn DN để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc này sẽ gây ảnh hưởng và tác động khó khăn trực tiếp đến các DN đã và đang hoạt động kinh doanh lâu dài cũng như môi trường cơ hội đầu tư tại Khánh Hoà mất đi sức hấp dẫn và tính cạnh tranh.
Một trong những nội dung cũng bị phản ứng là việc UBND tỉnh Khánh Hòa hạn chế các DN trong lĩnh vực du lịch thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn hoặc thay đổi cổ đông.
Cụ thể, tại điều 2 của văn bản nêu rõ, trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn DN liên quan đến các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý vi phạm quy định về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư do UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, yêu cầu Sở này phải kiểm tra lấy ý kiến các ngành liên quan và báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến.
Theo các DN là chủ đầu tư dự án BĐS du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, quy định trên không những gây khó hiểu cho DN, nguy cơ tác động không tốt đến môi trường và cơ hội đầu tư tỉnh nhà, mà khả năng còn trái với Luật Doanh nghiệp
Cụ thể, tỉnh muốn quản lý và phát hiện ra các dự án sai phạm nhưng phải thực hiện các biện pháp áp dụng theo quy định của Luật đầu tư, nếu dự án bị phát hiện sai phạm có thể xử phạt hoặc thậm chí bị thu hồi.
Nếu phát hiện ra dự án bị sai phạm, thì trong một số trường hợp không thể cấm chủ đầu tư dự án thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi cổ đông, tăng vốn hoặc giảm vốn vì đây là quyền hợp pháp của DN được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.