Tại hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến và tiêu thụ là sản phẩm hải sản khai thác, diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa gần đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đánh giá, đến thời điểm này, việc khắc phục của Việt Nam đối với "thẻ vàng" của EU đã có nhiều kết quả khả quan.
Phía EU đánh giá rất cao khi chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã hoàn thiện các thể chế từ luật thủy sản đến các văn bản quy định. Đặc biệt là tổ chức thực thi và tuyên truyền rất tốt, có hiệu quả về 9 khuyến cáo của EU.
Theo dự kiến, trong tháng 5 này, đoàn công tác của EU sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá về tình hình khai thác cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Đây là sự kiện có tính chất đặc biệt cân nhắc rút “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Đối với Khánh Hòa, để ngăn chặn và tiến tới loại bỏ việc ngư dân đưa các phương tiện ra nước ngoài khai thác thủy sản trái phép, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Cụ thể, ban hành các kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục cảnh báo của EU về khai thác IUU. Tổ chức tập huấn cho chủ tàu/ thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác hải sản về các quy định liên quan đến IUU.
Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tuyên truyền đến 220.000 lượt ngư dân, giúp họ tiếp cận trực tiếp các thông tin bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng vào đối tượng là 1.300 chủ phương tiện đánh bắt xa bờ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát cửa sông bến bãi và nhất là bãi ngang; không giải quyết cho bất kỳ phương tiện nào ra khơi khi không có đủ các loại giấy tờ; xử lý nhắc nhở hàng nghìn trường hợp vi phạm; điều tra cơ bản phân loại, thống kê, phân vùng để quản lý tốt hơn chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhất là Chi cục thủy sản điều tra, xác minh các tổ chức cá nhân chuyên môi giới trái phép cho các cá nhân chuyên đưa phương tiện ra nước ngoài để khai thác trái phép; quản lý tàu thuyền đánh bắt trên biển dựa trên hệ thống HF, kết hợp định vị vệ tinh để nhằm theo dõi chặt chẽ, kịp thời có phương án nhắc nhở, xử phạt ngay khi có dấu hiệu vi phạm.
Tháng 4/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định số 885/QĐ-UBND về việc thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân trong việc khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa phối hợp với Bộ đội Biên phòng triển khai thành lập 4 văn phòng đại diện đặt tại các cảng cá: Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh), Vĩnh Lương, Hòn Rớ (thành phố Nha Trang) và Đá Bạc (thành phố Cam Ranh).
Các văn phòng này hiện đã đi vào hoạt động bằng việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu về bến và xuất bến tại các cảng cá. Qua kiểm tra hầu hết bà con đều đã có giấy cam kết không đánh bắt tại vùng cấm, nghề cấm.
Các chủ tàu cũng đã thực hiện tốt quy định ghi nhật ký khai thác thủy sản. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là các tàu cá chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị hàng hải hiện đại, hoặc có cũng chưa đáp ứng yêu cầu liên lạc thường trực 24/24; gây khó khăn cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong kiểm soát hải trình đánh bắt. Mặt khác, công tác tổ chức sản xuất theo tổ, đội trên biển dù đã được triển khai, song số lượng tàu tham gia còn hạn chế.
Có hơn 20 năm kinh nghiệm đi biển đánh bắt hải sản - vừa làm xong thủ tục hành chính đăng ký ngày xuất bến, vùng biển đánh bắt, số lao động trên tàu tại cảng Hòn Rớ, ngư dân Nguyễn Văn Đặc, trú tại thành phố Nha Trang, chia sẻ, việc truy xuất nguồn gốc hải sản thông qua các văn phòng đại diện không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân như ông có thể làm nhanh các thủ tục về bến và xuất bến, mà còn thuận lợi cho doanh nghiệp thu nhật ký để họ làm hồ sơ xuất khẩu thủy sản dễ dàng.
Là một trong 3 công ty được xuất khẩu hải sản sang thị trường "khó tính" Brazil, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Vương luôn cố gắng làm tốt công tác thị trường xuất khẩu hải sản cho biết, công ty có 3 nhà máy đặt tại vùng nguyên liệu dồi dào (Khánh Hòa) nên rất thuận lợi trong việc thu mua và xuất khẩu hải sản ra các thị trường quốc tế.
Đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10% - 30%/ năm, nên trước “thẻ vàng” của EU, công ty càng chú trọng kiểm tra chất lượng, nguồn gốc hải sản trước khi xuất khẩu.
Hiện Khánh Hòa có trên 40 doanh nghiệp tham gia chế biến xuất khẩu thủy sản ra các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật, châu Âu… Tất cả đều có những việc làm chung tay hành động cùng với các cơ quan nhà nước, ngư dân trong việc khắc phục "thẻ vàng" của EU. Sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Khánh Hòa được kỳ vọng sẽ góp phần cùng ngành thủy sản Việt Nam lấy lại được "thẻ xanh" từ EU trong thời gian sớm nhất./.