“Chưa bao giờ có tình trạng ế ấm như những ngày gần đây, sau quyết định dừng chuyển nhượng đất. Việc mua bán của chúng tôi trì trệ hẳn”- đại diện một công ty môi giới Bất động sản tại Vạn Ninh nói. “Trước kia, cuối tuần là thời điểm khách các tỉnh đổ về giao dịch rất đông. Văn phòng chật kín chỗ. Giờ giảm hẳn”. Cảnh nhốn nháo mua bán, trao đổi của các con buôn đất hầu như vắng bóng.
Không chỉ riêng các công ty môi giới nhà đất tư nhân, văn phòng đăng ký đất đai tại huyện, từ hơn 100 lượt người giao dịch mỗi ngày, nay thưa thớt hẳn. Một cán bộ cho biết, trước kia bận rộn giao dịch cho khách nhiều chừng nào thì nay rãnh việc chừng ấy. Trước kia, khách chủ yếu từ Hà Nội đổ về đây “cọc” đất rất nhiều, nhưng hai hôm nay lại không thấy giới bất động sản đề cập đến chuyện mua bán. Những tháng đầu năm, ông thực hiện gần 20 lượt giao dịch đất, chủ yếu mua rồi bán lại, kiếm tiền chênh. Cách đây một tuần, ông xuống 500 triệu đồng, cọc cho lô đất ngang 7, sâu 30m trong đó có 120m2 thổ cư với giá 8 tỷ đồng tại trung tâm thị trấn. Không chỉ riêng giám đốc Văn phòng này phải đắn đo, nhiều ông chủ các công ty môi giới cũng phải kiếm cách thương lượng lại với chủ đất tiền cọc. Các “ổ” cò đất cũng hoạt động “uể oải” hẳn khi chỉ thị tạm dừng mọi hoạt động đất đai bất ngờ đóng băng tất cả các đường làm ăn.
Một Văn phòng bất động sản tại thị trấn Vạn Giã với chủ là nhóm người Bắc cho biết, hiện nay, hầu hết giao dịch đất đai đều chỉ xoay quanh đất thổ cư và hầu hết là người của các tỉnh khác đến mua để xây dựng dịch vụ du lịch. Sau chỉ định của tỉnh quy định rõ việc không được phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư, văn phòng này và hàng loạt công ty khác “đổ” về các khu có chủ sẵn, hoặc các khu tái định cư.
“Một số người dân khi chuyển về khu tái định cư, đã đến công ty tự giao dịch về mảnh đất cũ. Chúng tôi cũng chỉ giao dịch loại đất này”- đại diện văn phòng trên chia sẻ.
Tuy nhiên, lệnh cấm này lại khiến nhiều người dân bức xúc. “Lệnh cấm như vậy, khác nào quản luôn khu đất vốn là của chúng tôi, do chính chúng tôi đứng tên làm chủ. Đây là nhà của chúng tôi, việc mua bán hay giao dịch, chúng tôi phải được quyền tự quyết định”- ông Mai V.H, một người dân tại huyện Vạn Ninh bức xúc.
Lệnh cấm là vậy, nhưng các công ty môi giới, các tay cò đất vẫn chưa hết “hy vọng”. “Chúng tôi không lo. Bởi vì giá đất vẫn có thể tiếp tục tăng và đất tại đây (Vân Phong- pv) vẫn không thể mất giá được”- đại diện văn phòng K.H chắc nịch.
Ông H.- ông trùm cò đất khét tiếng Vân Phong với hàng chục lô đất có sổ đỏ quanh trung tâm huyện Vạn Ninh khẳng định: “ Khi một vài nhà đầu tư đổ vào đây vài trăm triệu đến cả tỷ đồng phải dừng bước ra về. Thì một vài người có tầm nhìn sẽ trụ lại, luồng tiền đổ vào đất thổ cư sẽ tăng nên giá đất vẫn đang lên”. “Ánh mắt” khát đất của các công ty môi giới vẫn “không lung lay niềm tin” về một Đặc khu kinh tế Vân Phong trong nay mai.
Phó chủ tịch Huyện Vạn Ninh, ông Võ Lục Phẩm cho biết, địa phương đang dốc sức đảm bảo thực hiện các đề nghị trong công văn từ tỉnh và tình trạng sốt đất tại đây đã giảm rất nhiều. Huyện Vạn Ninh hiện cũng đang thành lập các tổ liên ngành để kịp thời kiểm tra và chẩn chỉnh tình trạng lấn chiếm đất địa bàn để buôn bán bất động sản.