Tản mạn về bánh căn

Thứ sáu - 22/02/2019 11:36
1. Về nhà trong những ngày cuối năm, sau khi chuyện trò với cha mẹ cho bõ thương nhớ những ngày tháng xa nhà, con gái tôi liền hỏi thăm có quán bánh căn nào còn bán trong ngày cận Tết không? Từ hồi đi học xa nhà cho đến lúc theo chồng ở xa quê, lúc nào nó cũng kêu, con thèm bánh canh, bánh căn quá. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tản mạn về bánh căn

1. Về nhà trong những ngày cuối năm, sau khi chuyện trò với cha mẹ cho bõ thương nhớ những ngày tháng xa nhà, con gái tôi liền hỏi thăm có quán bánh căn nào còn bán trong ngày cận Tết không? Từ hồi đi học xa nhà cho đến lúc theo chồng ở xa quê, lúc nào nó cũng kêu, con thèm bánh canh, bánh căn quá. Bây giờ cũng vậy, dù đã là một bà mẹ trẻ, nó vẫn như con bé học trò ngày nào, xách xe chạy ngay ra phố tìm hàng bánh căn.

 


Hình như đó không phải là nỗi niềm riêng của con gái tôi mà hầu như cô gái Nha Trang nào cũng vậy, đi xa nhớ về quê nhà, không nhớ món sơn hào hải vị nào mà chỉ đau đáu trong lòng mùi thơm hành mỡ của bánh căn, nhớ âm thanh vui tai khi đổ bánh xèo.


Món ăn rất dân dã này lại mang rất nhiều hoài niệm cho những ai phải xa quê lập nghiệp ở nơi khác. Mùa mưa, mấy bà nội trợ miền biển lại nghĩ đến chuyện đúc bánh căn. Hồi tôi còn nhỏ, hầu như nhà nào cũng có một cái lò bánh căn lớn, thường được đặt mua ở Phan Rang. Trời mưa, mấy đứa con gái ngâm gạo, đi xay bột về rồi nhóm một lò than cho lửa cháy đều. Chẳng ai dọn bánh căn trên bàn, cả nhà ngồi dưới đất quanh chiếc lò than hồng rực rỡ, mỗi người cầm cái chén có pha sẵn mắm và đôi đũa, bánh chín bỏ ngay vào chén, cứ thế nhường nhau từng chiếc bánh nóng hổi, ăn như vậy không bao giờ thấy no.


Ở nhà tôi, mỗi lần đúc bánh căn, má tôi chuẩn bị một nồi cá liệt hoặc cá ồ kho lạt, một tô to nước mắm nấu với thơm cà, có cả một chén mắm nêm, ai muốn ăn gì tùy thích. Tôi giống má, thích pha nước mắm với nước cá kho rồi dằm thêm vào chén một miếng cá kho, bỏ một muỗng to hành mỡ thơm lừng. Có xoài thì băm thành sợi nhỏ để ăn kèm, nếu không thì vắt thêm miếng chanh. Nhiều năm trôi qua, rồi nhiều năm nữa, mỗi lần gặp nhau, những người con gái ngày xưa thường nhắc chuyện cũ và trong câu chuyện nào bánh căn cũng được nhắc đến với bùi ngùi thương mến mà thấy thương quá cái ngày xưa ấy.


2. Ngày cuối năm con gái tôi không tìm ra hàng bánh căn nào để ăn cho đỡ thèm vì mọi người đã nghỉ Tết. Nhưng qua chiều mùng hai Tết thì rất nhiều hàng bánh căn dọn ra trên các góc phố và hàng nào cũng rất đông khách ngồi chờ. Cũng lạ là bây giờ người người thích ăn bánh căn, không chỉ người Nha Trang mà du khách khắp nơi đến Nha Trang cũng thích. Bánh căn có khi đã vào đến nhà hàng 4, 5 sao với cách ăn cầu kỳ hơn, được đúc với các loại hải sản như tôm, mực. Nhưng với tôi, bánh căn chỉ ngon khi chỉ đúc với trứng vịt và ngồi ăn ở góc đường nào đó đầy vẻ dân dã.


Nói đến bánh căn người ta nghĩ đến trước hết về Phan Thiết và Phan Rang. Tôi cũng có dịp ăn bánh căn ở hai nơi này, cách ăn bánh căn ở đó khác với ở Nha Trang. Ở đó bạn sẽ thấy bánh căn được ăn với hành lá để sống chứ không phi mỡ và trứng vịt được luộc sẵn chứ không đánh tan rồi đổ trên bánh như ở Nha Trang, trong chén mắm nếu được yêu cầu sẽ có thêm một vài viên xíu mại. Có lần tình cờ tôi ăn bánh căn ở con đường vào vịnh Vĩnh Hy, lại thấy hơi hướng của bánh căn Nha Trang, chợt nghĩ có thể ở đâu cũng vậy bánh sẽ được làm cho hợp với khẩu vị của nhiều người.


Ở Nha Trang bây giờ, chúng ta có thể ăn bánh căn bất cứ lúc nào, có thể tìm thấy hàng bánh căn dễ dàng ở một góc đường, hoặc mở thực đơn của nhà hàng 5 sao cũng thấy hình ảnh bánh căn chễm chệ trong đó. Khuôn bánh căn bây giờ cũng hiện đại hơn, có khi được bọc i-nốc kỹ càng để dễ dàng mang đi xa. Bạn tôi trong một chuyến du lịch sang Mỹ đã mang theo rất nhiều lò bánh căn để làm quà theo yêu cầu của các bạn bên ấy. Còn các bạn gái ngày xưa của Nha Trang nay đang định cư ở Mỹ, nếu có dịp họp mặt bạn bè thì nhiều khi chỉ một lò bánh căn và chén mắm nêm là đủ để nhắc chuyện cũ cho đỡ nhớ nhà.


3. Với tôi, bánh căn mang nhiều kỷ niệm về gia đình thuở mình còn thơ, một thời thiếu nữ với bạn bè, và đó cũng là tình yêu với nơi mình được sinh ra, lớn lên. Giờ đây, thứ bánh dân dã ấy đã gắn liền với hình ảnh quê nhà để dẫu đi đâu, ở xa tít nơi nào, những người con Nha Trang cũng không thể nào quên quê hương yêu dấu.


LƯU CẨM VÂN
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp