Với chủ đề “Giải pháp xanh cho phát triển bền vững”, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2019 của Trường Đại học Nha Trang đã thu hút nhiều ý tưởng của sinh viên, cựu sinh viên tham gia. 6 dự án lọt vào chung kết đều hướng đến giải quyết những vấn đề về kinh tế, xã hội, y tế, môi trường theo hướng phát triển bền vững.
Dự án “BioOne - Chế phẩm xanh cho thủy sản, chăn nuôi thú y và xử lý môi trường ở Việt Nam” của nhóm tác giả Trần Thanh Hoàng, Huỳnh Thị Bích Mai, Phạm Bảo Khoa, cựu sinh viên Trường Đại học Nha Trang đưa ra ý tưởng phát triển thương hiệu BioOne với mục đích nghiên cứu, sản xuất và phân phối các chế phẩm probiotics, enzyme nhằm phòng trị bệnh hiệu quả và xử lý ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi ở Việt Nam, thay thế việc sử dụng kháng sinh và hóa chất độc hại. Đồng thời, thực hiện cam kết chất lượng trong bối cảnh thị trường về men vi sinh chưa được kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam.
Hiện nay, thương hiệu BioOne đã có 6 sản phẩm được thương mại hóa và đăng ký lưu hành trên thị trường trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y và xử lý môi trường; 1 sản phẩm đã được nghiên cứu thành công ở phòng thí nghiệm và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Được biết, nhóm đang phối hợp với nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang để hoàn thiện sản phẩm và đăng ký bằng sáng chế. Ngoài ra, nhóm đang xây dựng dự án mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất có diện tích 200 - 300m2 với vốn đầu tư dự kiến 2 - 3 tỷ đồng. Mục tiêu mà nhóm hướng tới là trở thành doanh nghiệp cung cấp sản phẩm probiotics nguyên liệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản, thú y, nông nghiệp và xử lý môi trường.
Sinh viên Cao Thanh Minh, Khoa Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Nha Trang mang đến cuộc thi ý tưởng “Thương mại hóa các sản phẩm từ cây xương rồng”. Sản phẩm của dự án là rau, đồ uống (trà túi lọc, bột giảm cân, nước xương rồng đóng chai) và thuốc từ cây xương rồng (viên nén, viên nhộng, trà túi lọc, thuốc đắp… chữa bệnh gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, rối loạn dạ dày...). Cao Thanh Minh cho biết, ý tưởng trên còn ở mức độ sơ khai, cần đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nhà xưởng máy móc thiết bị sản xuất, chi phí vận hành, chí phí nhân công, chi phí khấu hao. Nhưng đây là sản phẩm tiềm năng bởi nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển cây xương rồng, loại cây trồng đem lại giá trị cao về dinh dưỡng, sức khỏe, kinh tế mà chưa được phát triển sâu rộng và thương mại hóa. Trong tương lai, cây xương rồng còn có thể dùng để chế tạo mỹ phẩm, khí gas sinh học, phân vi sinh, nhựa sinh học tự phân hủy…
Với dự án Hệ thống thủy canh công nghệ cao, nhóm tác giả do Nguyễn Thành Nhân, sinh viên Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Nha Trang làm trưởng nhóm đặt mục tiêu nghiên cứu, trồng trọt các loại cây rau, củ với công nghệ cao, sản xuất ra thị trường tiêu thụ; đồng thời nghiên cứu, phát triển các loại cây trồng mới. Nhóm cũng cung cấp các vật tư, thiết bị về hệ thống canh tác rau trồng thủy canh. Phân khúc khách hàng mà nhóm nhắm tới là các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, trường học, trang trại và hướng tới xuất khẩu. Điểm mới của dự án là áp dụng công nghệ cao tự động hóa để giám sát hệ thống vườn rau thủy canh nhà kính nên khống chế được các yếu tố môi trường cũng như kiểm soát được các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm không khí, cường độ ánh sáng, nồng độ dung dịch dinh dưỡng…
Được biết, cuộc thi được tài trợ bởi dự án V2WORK (Nâng cao hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nhằm tăng cơ hội việc làm và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường), dự án Team – Sie (thuộc chương trình Hợp tác Giáo dục sau đại học giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh), Hội Doanh nhân trẻ và các tổ chức, hiệp hội khác trên địa bàn tỉnh. Các dự án tham gia đã được hỗ trợ và tư vấn để thực hiện. Kết quả, dự án “BioOne - Chế phẩm xanh cho thủy sản, chăn nuôi thú y và xử lý môi trường ở Việt Nam” đạt giải nhì (không có giải nhất); dự án “Thương mại hóa các sản phẩm từ cây xương rồng” và “Hệ thống thủy canh công nghệ cao” đạt giải ba. Các dự án: “Mô hình nuôi thâm canh cá lóc sạch”, “Thế hệ trẻ với sự tái sinh của rác thải nhựa” và “Fruits Canvas” (nước ép trái cây tươi nguyên chất) đạt giải khuyến khích. Ba dự án đạt giải cao nhất đã được giới thiệu cho các doanh nghiệp để đầu tư, đồng thời được đại diện trường tham gia các triển lãm, cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
H.NGÂN