Những năm gần đây, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh phát triển khá rầm rộ. Từ đó, kéo theo nhu cầu về nhân lực nghề bếp cũng tăng theo từng ngày.
Đòi hỏi đam mê
Nhiều người nghĩ rằng, nghề bếp khá đơn giản, vì nấu ăn vốn là công việc thường xuyên của mỗi người, mỗi gia đình. Nhưng kỳ thực để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp không hề đơn giản. Họ phải trải qua quá trình đào tạo, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm từ những công việc đơn giản đến phức tạp. Chẳng hạn như anh Nguyễn Trung Trứ - bếp trưởng tại khách sạn Ibis Styles Nha Trang. Để có vị trí này, trước đó, anh phải nhiều năm làm việc ở các nhà hàng, khách sạn để tích lũy kinh nghiệm. Anh chia sẻ, nghề bếp đòi hỏi phải nhanh nhẹn, chịu khó, có trách nhiệm và niềm đam mê. Kiến thức của người làm bếp học ở trường đào tạo còn khá xa vời so với thực tế khi hành nghề. Khi làm việc ở nơi chuyên phục vụ khách nước ngoài thì người làm bếp phải có kiến thức, kinh nghiệm về ẩm thực của mỗi nước. Do đặc thù công việc, các đầu bếp phải làm việc liên tục và không có ngày nghỉ, nên áp lực công việc rất cao.
Anh Hoàng Đăng Trình - đầu bếp của một quán bar trên đường Trần Phú cho biết, một khi đã chấp nhận theo nghề, người đầu bếp phải thích ứng với quỹ thời gian gần như ngược với người thường. Vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ, ai ai cũng được thư giãn, vui chơi, đi ăn uống với gia đình thì người đầu bếp lại càng bận rộn. Anh Trình chia sẻ: “Mỗi khi vào giờ cao điểm, không khí nhà bếp cực kỳ khẩn trương, căng thẳng. Môi trường làm việc luôn trong tình trạng nóng nực do bếp lửa cũng như sức ép thời gian để phục vụ thực khách. Chỉ cần một sai sót nhỏ, món ăn làm ra có khi lại phải bỏ đi để làm lại từ đầu”…
Tuy nhiên, đối với các đầu bếp, điểm chung của họ chính là sự đam mê. Khó khăn, áp lực là vậy song họ vẫn yêu nghề vì đối với họ, những món ăn cũng như tác phẩm nghệ thuật, chỉ cần được thỏa đam mê sáng tạo, được thấy người ăn hài lòng thì đó đã là phần thưởng đối với họ và giúp họ thêm yêu nghề.
Nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh
Theo ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, khoảng 5 năm trở lại đây, ngành Du lịch dịch vụ có tốc độ phát triển khá mạnh. Do lượng khách tăng, kéo theo các nhà hàng, khách sạn, quán ăn xuất hiện ngày càng nhiều, do đó nhu cầu về nghề bếp luôn nằm ở vị trí “hot” trong danh sách tuyển dụng của các doanh nghiệp. Cơ hội việc làm và thu nhập từ nghề bếp được cải thiện, nhất là khi khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng lẫn hình thức món ăn. Nghề bếp cũng trở nên “đắt giá” hơn, nhu cầu tuyển dụng nhân lực làm bếp cũng ngày càng nhiều hơn.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, nhu cầu tuyển dung lao động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ khoảng 10.000 người, trong đó nhu cầu về nguồn nhân lực nghề bếp vào khoảng 2.000 người. Dự báo, trong những năm tới nhu cầu tuyển dụng lao động ngành Du lịch dịch vụ, nhất là nghề bếp tiếp tục tăng mạnh. Để cung ứng nhân lực cho các đơn vị tuyển dụng, ngành chức năng đã đưa ra các giải pháp như: tổ chức các phiên giao dịch việc làm đến tận các địa phương để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người dân; liên kết với các trường nghề để cung ứng nhân lực nghề bếp cho các doanh nghiệp… Tuy nhiên, với nhu cầu tuyển dụng khá lớn của các đơn vị nên việc cung ứng nhân lực vẫn chưa đáp ứng đủ.
Qua khảo sát của các ngành chức năng, trung bình, mỗi nhà hàng, khách sạn, quán ăn lớn đều cần ít nhất 2 đến 5 bếp chính và từ 10 đến 20 phụ bếp đảm nhận các công việc chế biến, đứng thớt, đứng tủ đông, tủ rau, sơ chế… Mức lương mà những đơn vị tuyển dụng đưa ra cũng khá hấp dẫn, từ 5 đến 20 triệu đồng/người/tháng (tùy vị trí và tay nghề của lao động). Những người có kinh nghiệm làm bếp, tay nghề cao thì mức lương càng cao. Được biết, hiện tại, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Euro Window Nha Trang đang cần tuyển hơn 100 nhân viên bếp; Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch biển Nam Hùng gần 100 nhân viên bếp…
VĂN GIANG