Vừa qua, Báo Khánh Hòa nhận được đơn phản ánh của người dân về một số nhà hàng trên địa bàn TP. Nha Trang buôn bán, tiêu thụ các loại động vật hoang dã, chủ yếu là các loài chim trời. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, hoạt động săn bắt, tiêu thụ chim trời diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Giăng lưới chim trời
Nhờ người quen giới thiệu, chúng tôi mới được ông H., người chuyên đi giăng lưới chim trời ở xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh) đồng ý cho đi theo một chuyến bẫy chim đêm. Chỉ mới 16 giờ, ông H. đã vội chuẩn bị đồ nghề gồm hơn 10 tấm lưới mỏng, những cây sào để giăng lưới, bộ máy phát và loa, chiếc thẻ nhớ đã lưu sẵn đủ tiếng chim từ cuốc, gà nước, tu hú… Rồi ông H. rủ thêm ông B. - người cùng thôn, họ phóng xe máy hướng về cánh đồng ở xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm), bắt đầu cho chuyến bẫy đêm.
Khi những người bẫy chim giăng lưới và lắp đặt xong hệ thống phát thanh dã chiến thì bóng tối đã bao phủ khắp cánh đồng. Trên triền cỏ, chốc chốc chúng tôi lại nghe tiếng chim cuốc, gà nước phát ra từ loa phóng thanh lan đi trong trời đêm tĩnh mịch. Ông H. kể: “Nghề bẫy chim xuất hiện ở Khánh Hòa chừng 10 năm nay. Cứ đến cuối năm, những người ở miền Trung lại vào đây bẫy chim. Thấy thu nhập cao nên một số người ở địa phương học, đặt mua lưới, nhờ thu tiếng chim rồi hành nghề. Như tôi mùa hè đi đánh tu hú, mùa thu - đông thì đánh chim cuốc, gà nước, ngót nghét đã hơn 6 năm rồi. Bây giờ ở Cam Lâm, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh đều có người đánh chim… Chắc bây giờ lưới còn nhiều hơn chim”.
Trời dần về khuya, những con cuốc, gà nước đang bay trên cao, nghe tiếng đồng loại bắt đầu sà xuống. Nghe tiếng chuông buộc đầu mành lưới rung lên, cả ông H. lẫn ông B. bật dậy, phóng nhanh về phía chú chim cuốc đang bị quấn chặt trong tấm lưới mỏng. “Đi bẫy chim phải lựa trời tối, lưới mỏng, chim không thấy đường sà xuống, bay vào, càng vùng vẫy càng bị quấn chặt. Mùa này là mùa chim di cư nên mỗi tối chúng tôi bắt được 10 - 20 con gà nước, cuốc. Trong số đó, có con chân còn đeo thẻ, đánh số, trên đó còn có tiếng nước ngoài”, ông B. nói.
Nghe ông B. nói, chúng tôi lại nhớ đến cảnh cánh đồng Bà Thìn (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) mùa này lưới giăng khắp nơi; lại mường tượng cảnh bẫy gà rừng, săn chim cút rừng, bẫy cu gáy, cu xanh từng được chứng kiến. Hỏi những người đi bẫy chim, họ đều thật thà cho biết chim rừng săn bắt được đều vào các quán nhậu đặc sản ở Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa…
“Đường bay” của chim trời
Theo những người đi bẫy chim, do nhu cầu của dân nhậu nên chim đánh được bao nhiêu được các nhà hàng tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cứ 1kg gà nước có giá khoảng 250.000 - 300.000 đồng, cuốc giá 180.000 - 200.000 đồng/kg; le le, vịt trời thì tiền triệu; các loại cu xanh, cu cườm vài chục nghìn đồng mỗi con. Tính ra, mỗi đêm đi bẫy chim, mỗi người cũng kiếm được 700.000 - 800.000 đồng, có những đêm chim xuất hiện dày thì thu được tiền triệu. Hỏi thăm nơi tìm mua chim trời, ông H. cho chúng tôi số điện thoại của bà T., bà H. ở xã Cam Phước Đông, khi cần cứ đến đó hỏi mua, trong lồng lúc nào cũng có chim trời, thậm chí các loại chim quý như: le le, vịt trời, gà rừng đều có.
Qua số điện thoại, chúng tôi tìm đến nhà bà T. - người chuyên thu mua, cung cấp chim trời cho các nhà hàng ở Cam Lâm, Nha Trang… Hỏi chuyện, bà cho hay, mùa này, chim trời được thu mua từ người đi bẫy trong tỉnh, từ các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, các huyện đồng bằng như Ninh Hòa, Diên Khánh cũng gửi “hàng” đến bán. Lúc nào trong tỉnh khan hiếm chim thì có “hàng” trong miền Tây, miền Đông Nam bộ gửi ra. “Nha Trang có quán ăn chuyên đồ đồng quê ở Vĩnh Ngọc, hay một số nhà hàng ở khu vực Bình Tân, đường Lê Đại Hành…; ở Cam Lâm có một số nhà hàng đặc sản gần Cầu Mới, khu vực trung tâm thị trấn Cam Đức… Chim ở các nhà hàng này đều do tôi bỏ mối cả”, bà T. nói.
Ghé các nhà hàng: M.L (thị trấn Cam Đức), Đ.X ở ngoại thành Nha Trang, V.P ở nội thành Nha Trang, các quán nhậu đồng quê trên đường Lê Hồng Phong, Nha Trang…, ở đâu chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp thực đơn với những món như: cu xanh, cu cườm nướng, cuốc xáo măng, gà rừng hấp, gà nước rô ti… Trong khuôn viên các nhà hàng, quán nhậu luôn có một chiếc lồng nhốt sẵn chim trời để thực khách lựa chọn.
Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, theo quy định, các loài chim thuộc danh mục động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc nhóm I, như: bồ nông chân xám, vạc hoa, hạc cổ trắng, cò quắm lớn, gà lôi tía, gà so cổ hung, hồng hoàng… nếu nuôi, nhốt, tàng trữ, giết mổ sẽ bị xử lý hình sự. Đối với các loài chim thuộc danh mục động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhóm II như: hạc đen, cò quăm đầu đen, vịt đầu đèn, vịt mỏ nhọn, các loài gà so thuộc giống Arborophila, các loài thuộc họ hồng hoàng, các loài trong bộ cắt, bộ ưng… nếu cơ quan chức năng phát hiện cá nhân, cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền đến các nhà hàng không tiêu thụ động vật hoang dã. Qua kiểm tra, các loài chim được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc loại thông thường nên chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện thả về tự nhiên. 9 tháng năm 2019, Hạt Kiểm lâm Nha Trang đã tiếp nhận, thả về Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà 1 cá thể đại bàng biển bụng trắng, 2 cá thể đại bàng Mã Lai, 1 cá thể diều hâu đen, 1 cá thể cú mèo nhỏ.
HẢI LĂNG