Trên cơ sở bộ quy tắc ứng xử lần đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng bộ quy tắc riêng phù hợp với đặc điểm trường mình.
Hoàn thiện quy tắc ứng xử
Trước đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử riêng của từng trường. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường xây dựng bộ quy tắc chung chung, chưa cụ thể cho từng đối tượng; công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức. Năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT ban hành thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong trường học; theo đó, từ hiệu trưởng, giáo viên (GV), học sinh, phụ huynh đều có những quy định, chuẩn mực trong ngôn ngữ, trang phục, hành vi.
Trên cơ sở bộ quy tắc khung của bộ, đầu năm học 2019 - 2020, Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh) đã ban hành quy tắc ứng xử thay cho các quy định trước đây. Quy tắc này đã được thảo luận và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong nhà trường. Trong đó, trường quy định cụ thể những hành vi GV không được làm như: xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp; gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình... Về phía học sinh, không được phép xúc phạm, xâm phạm người khác; gian lận trong học tập, kiểm tra; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng... Cô Nguyễn Thị Thanh Lý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, quy tắc ứng xử hiện nay có những chuẩn mực rõ ràng, cụ thể hơn dựa trên hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Cái hay của quy tắc là nếu như trước đây việc ứng xử thường chỉ quy định từ một phía (học sinh đối với GV, nhà trường đối với phụ huynh…) thì nay đều yêu cầu cả hai phía phải thực hiện theo các quy tắc đưa ra. GV phải có những chuẩn mực đúng với học sinh; phụ huynh, khách đến trường cũng có những quy tắc ứng xử cụ thể. Trong đó, trước hết phải phát huy tính gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cho đến các GV. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xếp loại, đánh giá cán bộ, GV, nhân viên, học sinh của trường.
Tăng cường giáo dục, định hướng
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoan 2018 - 2025” của ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh vừa được UBND tỉnh ban hành, giai đoạn 2018 - 2020, 100% trường học phải xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử theo quy tắc do Bộ GD-ĐT ban hành; ít nhất 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên... được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử; 95% trường đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện... Bên cạnh đó, ngành sẽ triển khai đưa vào sử dụng các tài liệu giáo dục, tuyên truyền về văn hóa học đường, ứng xử văn hóa dành cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người học.
Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên rất quan trọng nhằm tạo nền tảng về nhận thức và hành động để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong nhà trường. Sở cũng chỉ đạo các trường tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử tùy theo từng đối tượng, cấp học. Trong đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non, tập trung vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, các chuyên đề, hoạt động lễ hội để hình thành cho trẻ ý thức lễ phép, kính trọng, yêu thương thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ... Đối với giáo dục phổ thông, cần đổi mới phương pháp dạy học các môn: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị, Ngữ văn, Lịch sử..., trong đó đặc biệt coi trọng phương pháp trải nghiệm, thực hành các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục kiến thức pháp luật, trách nhiệm công dân... Ngoài ra, cần đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn...
Theo ông Lê Đình Thuần, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là việc giáo dục, định hướng cho học sinh thể hiện văn hóa ứng xử, học tập, giải trí trong môi trường mạng. Ngành Giáo dục đã có những văn bản chỉ đạo, cảnh báo tới các trường để theo dõi, kiểm soát học sinh, ngăn chặn việc học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo bởi các phần tử xấu, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc. Ngoài ra, sở đang phối hợp với Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức hội thảo về vấn đề đạo đức nghề giáo trong thời gian tới.
H.NGÂN