Xây dựng thương hiệu hoa cúc Ninh Giang: Mang lại nhiều lợi ích

Thứ sáu - 18/11/2022 12:46
Làng nghề trồng hoa cúc Phong Phú 2 (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) được xem là thủ phủ hoa cúc của tỉnh. Về làng hoa vào những ngày này, nông dân đang tất bật chăm sóc những chậu hoa cúc để kịp thời cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Xây dựng thương hiệu hoa cúc Ninh Giang: Mang lại nhiều lợi ích

Làng nghề trồng hoa cúc Phong Phú 2 (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) được xem là thủ phủ hoa cúc của tỉnh. Về làng hoa vào những ngày này, nông dân đang tất bật chăm sóc những chậu hoa cúc để kịp thời cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.


Niềm vui làng hoa


Những ngày này trên khắp làng hoa, nơi đâu cũng hối hả cảnh tưới nước, cắm cây, tỉa cành, nhổ cỏ, cột cố định thân bông vào cây cắm, chong đèn vào ban đêm cho hoa… với niềm hi vọng mùa hoa Tết bội thu. Theo ông Phan Sang - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, năm nay, số lượng hoa cúc nhiều hơn so với 2 năm trước. Nếu như năm trước chỉ có 90 hộ trồng khoảng 25.000 chậu, năm nay tăng lên 120 hộ trồng với số lượng hơn 45.000 chậu. Nông dân hi vọng năm nay hoa cúc sẽ được giá vì dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Hoa cúc phường Ninh Giang được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, có năm còn xuất sang Campuchia.

Nông dân cắm cây, cột cố định thân cây hoa cúc.
Nông dân cắm cây, cột cố định thân cây hoa cúc.

Là người trồng hoa lâu năm ở địa phương, ông Trần Minh Tự - Tổ trưởng Tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh hoa cúc giống Ninh Giang cho biết, năm nay, gia đình ông trồng 500 chậu hoa cúc, trong đó có nhiều chậu lớn. Nhờ hoa cúc Ninh Giang đã có thương hiệu nên người trồng không còn lo ngại đầu ra của sản phẩm. Từ đầu tháng Chạp, thương lái đặt hàng 70%, còn lại 30% người trồng sẽ bán lẻ phục vụ thị trường hoa Tết; giá bán ổn định, độ chênh lệch giá giữa các năm ít giúp người trồng chủ động được số lượng xuống giống và chi phí đầu tư cho vụ hoa. Những năm trước, loại chậu đại có giá 1,5 - 1,6 triệu đồng/chậu, chậu trung bình 1 - 1,2 triệu đồng/chậu, chậu nhỏ có giá 250.000 - 450.000 đồng/chậu. Khi hoa cúc được cấp quyền sở hữu trí tuệ, nông dân quan tâm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao chất lượng hoa, tăng giá trị kinh tế.


Nâng cao chất lượng, uy tín


Từ lâu, hoa cúc Ninh Giang được nhiều người biết đến bởi nét đặc thù riêng: Màu hoa tươi sáng, bông to, lâu tàn, lá dày và xanh, chậu hoa được tạo khối đều đặn, sum suê tượng trưng cho sự sum vầy gia đình trong ngày Tết. Tuy nhiên, trước kia, khi chưa xây dựng nhãn hiệu, thị trường còn lẫn lộn giữa hoa cúc Ninh Giang và hoa cúc các vùng trồng khác ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng hoa cúc Ninh Giang. Sau khi xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang” từ năm 2017, phường Ninh Giang đã thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh hoa cúc giống. Chất lượng hoa Cúc Ninh Giang được quản lý theo Quy chế quản lý, đảm bảo sự đồng đều từ quy cách tô (chậu) đến cây hoa giống được ươm theo kỹ thuật sản xuất giống hoa cúc chất lượng cao và chăm sóc theo quy trình khoa học kỹ thuật, từ việc gieo hạt giống trong vườn ươm, đưa vào trồng trong chậu, tới quá trình sinh trưởng, kích thích để hoa nở đúng mùa vụ.

 

  Làng nghề trồng hoa cúc Ninh Giang có 120 hộ trồng với gần 300 lao động và một Tổ hợp tác liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống với 21 thành viên. Làng hoa cúc Ninh Giang đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2016. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang”. Trước năm 2020, mỗi năm các hộ sản xuất khoảng 150.000 chậu hoa các loại, chủ yếu là hoa cúc đại đóa và hoa cúc pha lê. Tổng doanh thu mỗi vụ khoảng 13 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư người làm hoa thu lãi khoảng 6 tỷ đồng.

Ông Phan Sang - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang cho biết, từ khi nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang” được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giá bán cao hơn, được đầu mối tiêu thụ hoa ở các tỉnh, thành phố trong cả nước biết tới nhiều hơn và tin tưởng vào chất lượng thương hiệu hoa cúc Ninh Giang. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành trong thời gian qua, đặc biệt là chính quyền địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làng hoa cúc Ninh Giang đã được công nhận làng nghề; sản phẩm hoa cúc đạt chuẩn có sử dụng nhãn hiệu tập thể đính trên từng chậu hoa giúp nông dân nâng cao giá trị và uy tín cho sản phẩm. Việc xây dựng, phát triển thương hiệu “Hoa cúc Ninh Giang” trong thời gian tới cần được tiếp tục quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành để có nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tiếp tục nâng tầm thương hiệu hoa cúc Ninh Giang trên thị trường.

 


Làng nghề trồng hoa cúc Ninh Giang có 120 hộ trồng với gần 300 lao động và một Tổ hợp tác liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống với 21 thành viên. Làng hoa cúc Ninh Giang đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2016. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang”. Trước năm 2020, mỗi năm các hộ sản xuất khoảng 150.000 chậu hoa các loại, chủ yếu là hoa cúc đại đóa và hoa cúc pha lê. Tổng doanh thu mỗi vụ khoảng 13 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư người làm hoa thu lãi khoảng 6 tỷ đồng.
 


HỒNG VÂN




 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp