Miệt mài gieo chữ trên non

Thứ sáu - 18/11/2022 11:32
Vượt qua những dốc đèo quanh co, các thầy cô giáo miền xuôi với tình yêu nghề cháy bỏng đã mang cả thanh xuân lên bám trụ trên đỉnh núi mờ sương của huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa), miệt mài gieo con chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Miệt mài gieo chữ trên non

Vượt qua những dốc đèo quanh co, các thầy cô giáo miền xuôi với tình yêu nghề cháy bỏng đã mang cả thanh xuân lên bám trụ trên đỉnh núi mờ sương của huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa), miệt mài gieo con chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi.


Gian khó chẳng nản lòng


Trường Mầm non Sao Mai (xã Ba Cụm Bắc) nằm nép mình bên con dốc nhỏ. Nơi này, cách đây 32 năm, khi cô Ngô Thị Trúc Linh mới tốt nghiệp về nhận công tác, chỉ là chái nhà tường tranh tre vách nứa. Các bé mầm non phải “ngồi ké” bàn ghế của các anh chị Trường Tiểu học Ba Cụm Bắc do học ghép buổi. Ngày đó, từ quê nhà Cam Ranh lên Khánh Sơn với cô Linh là cả chặng đường dài. Mỗi lần về thăm gia đình, cô phải dậy từ 3 giờ, theo xe chở gỗ về xuôi trên con đường gập ghềnh, dằn xóc ê người. Nhiều tháng trời không được về thăm nhà, cô chỉ biết nén nỗi nhớ cồn cào, dặn lòng cố gắng.

 

Các bé Trường Mầm non Sao Mai nghe cô hiệu trưởng Ngô Thị Trúc Linh  kể chuyện, đọc sách.

Các bé Trường Mầm non Sao Mai nghe cô hiệu trưởng Ngô Thị Trúc Linh kể chuyện, đọc sách.


Ngày đó, cô Linh kiêm hỗ trợ phổ cập cho học sinh (HS) tiểu học. Đêm xuống, cô tới điểm Dốc Trầu, chong đèn dầu dạy chữ, nằm sạp tre ngủ. Bữa ăn có cơm với mắm, thêm nắm rau cải thiện đã thấy thịnh soạn. Ăn uống kham khổ, không quen khí hậu, thổ nhưỡng, hầu như cô giáo nào cũng bị sốt rét. “Những cơn sốt rét khiến tôi run cầm cập, nhức buốt đến tận xương, người xanh xao, nằm viện hàng tháng trời. Ấy vậy mà khỏi xong, tôi lại lên núi”, cô Linh kể. Dạy được 2 năm, vì quá khó khăn, cha lâm bệnh nặng rồi mất, cô tưởng chừng không theo được với nghề. Nhưng rồi gia đình động viên, thêm nỗi nhớ trẻ quay quắt, nhớ tình cảm của người dân thôn bản, khiến cô gắn bó mãi cho đến tận bây giờ.


“Khó có thể nào kể hết những khó khăn những ngày đầu mới dạy học”, cô Phạm Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thành Sơn (xã Thành Sơn) bùi ngùi khi nhớ lại những ngày của 27 năm trước, khi cô là giáo viên Trường Tiểu học Sơn Bình. Ngày ấy, những cô giáo chân yếu tay mềm chẳng quản đi bộ đường rừng, tìm mọi cách qua sông, qua suối để đến từng nhà vận động HS tới lớp. Cô vất vả, nhưng nhìn trò còn thương hơn. Nhiều em chỉ vì nhà hết gạo ăn, vì bộ quần áo ướt giặt chưa kịp khô mà phải ở nhà không thể đến lớp.


Giúp trò chuyên cần, học tốt


Thầy Đỗ Ngọc Hậu, giáo viên lớp 5, Trường Tiểu học và THCS Ba Cụm Nam (xã Ba Cụm Nam) kể, dạy tháng đầu tiên, thầy nói khan tiếng, trò không hiểu, thầy lo không biết làm sao hoàn thành được chương trình. Nhưng rồi thầy kiên trì, nỗ lực, trò từng ngày thêm tiến bộ. Những ngày mùa, HS thường xuyên bỏ học theo cha mẹ đi hái bắp, thầy lại tới từng nhà vận động các em trở lại lớp. Em nào thiếu quần áo, sách vở, thầy tìm cách giúp; em bị bệnh, thầy vận động hội nhóm hỗ trợ... Nhờ đó, trẻ đi học chuyên cần hơn. “20 năm qua, tôi chưa từng nghĩ đến chuyện rời khỏi nơi này. Đã quyết tâm lên miền núi dạy cho các em thì mình phải nỗ lực vượt qua hết. Cứ dạy hết sức, miễn sao các em hiểu là mừng”, thầy Hậu nói.

 

Một tiết dạy của thầy Đỗ Ngọc Hậu.

Một tiết dạy của thầy Đỗ Ngọc Hậu.


Để thu hút HS đến lớp, thầy Hậu tham gia Tổng phụ trách Đội, dạy kiêm môn Giáo dục thể chất, cho các em tham gia thi đấu thể thao; phụ đạo miễn phí cho những HS còn hạn chế trong học tập; dùng hệ thống câu hỏi gợi mở để các em làm bài tập làm văn… Thế rồi các em ham tới lớp, tới trường lúc nào không hay. “Chúng em quý thầy Hậu lắm, vì thầy dạy dễ hiểu, lại hài hước”, em Tro Thị Kim Oanh, lớp 5A hồn nhiên nói.


Trường Mầm non Sao Mai có tỷ lệ trẻ người dân tộc thiểu số cao nhất huyện. Trong 378 trẻ, chỉ có 14 trẻ người Kinh. Vì không rành tiếng Việt nên các em chủ yếu vẫn nhìn ánh mắt, cử chỉ của cô để hiểu. Có lúc cô Linh mua cho trẻ chiếc áo, lúc đưa trẻ đi tắm, cắt tóc, vui chơi, rồi tổ chức cho trẻ ở 2 điểm trường giao lưu nhau và tham gia trải nghiệm. Cứ thế, các em thân thiết với cô, biết chào hỏi, biết trò chuyện và dần biết mặt chữ. Từ năm 2004, công tác tại Trường Mầm non 1-6 với vai trò quản lý, cô đã góp phần đưa nhà trường lớn mạnh, gặt hái được nhiều thành công, trở thành trường chuẩn quốc gia năm 2012, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Năm 2021, cô về lại Trường Mầm non Sao Mai với vai trò Hiệu trưởng. Năm học này, cô Linh hỗ trợ học phí cho một trẻ có hoàn cảnh khó khăn mồ côi mẹ, cha đang đi nghĩa vụ quân sự.

 

Cô Nguyễn Ngọc Thạch hướng dẫn các học sinh làm bài

Cô Nguyễn Ngọc Thạch hướng dẫn các học sinh làm bài.


20 năm trong nghề, cô Nguyễn Ngọc Thạch, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Tô Hạp, thị trấn Tô Hạp luôn trăn trở tìm cách để thay đổi phương pháp dạy, giúp các em yêu thích môn Văn. Từ ý nghĩ bất chợt: “Tại sao không thử quay clip để giúp trò có trực quan sinh động hơn”, cô ngay lập tức lên đường. Bãi rác thôn Ma O, xã Sơn Trung cách nhà hơn 10km. Dưới nắng nóng, trong mùi rỉ rác khó chịu, cô Thạch vẫn kiên trì quay cận từng hình ảnh, rồi đi gặp người dân sống gần bãi rác hỏi về cuộc sống nơi đây... Năm 2014, bài học “Thông tin về ngày Trái đất năm 2000” đã ghi được ấn tượng sâu đậm với tất cả HS. Các em bàn luận sôi nổi về tác hại của ô nhiễm môi trường, giải pháp bảo vệ môi trường, trách nhiệm của mọi người… Phấn chấn, cô Thạch lại tiếp tục đi quay các danh lam thắng cảnh, vấn đề dân số… Cứ vậy, suốt 3 tháng, cô đã có hơn 10 clip để minh họa nhiều chủ đề cho phần văn bản nhật dụng trong chương trình văn học THCS. Cô cũng chủ động rèn kỹ năng làm bài nghị luận văn học nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9, hướng cho HS tìm ra cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm. Từ năm học 2013-2014 đến nay, HS của trường liên tục đạt giải kỳ thi học sinh giỏi môn Văn của huyện, có cả giải cấp tỉnh - điều trước đây chưa từng có. Cô Thạch còn bồi dưỡng cho các em tham dự và đạt giải nhiều cuộc thi khác ở cấp huyện và cấp tỉnh như: Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Tìm hiểu di sản văn hóa; Kể chuyện theo sách; Giai điệu tuổi hồng…


Theo nghề bởi một chữ tâm


Một lần vô tình, cô Linh nhận ra bản thân mình hồi trẻ qua những tấm hình được học trò cũ đăng trên mạng. Ký ức những ngày khó khăn chợt dội về, những ngày mà trẻ mang cho cô củ mì ăn sáng, các cô giáo cùng nấu cơm ăn, cả những ngày đồng nghiệp thay nhau chăm sóc cô khi bị sốt rét. Xúc động nhất là những dòng comment của học trò cũ về cô dưới những tấm hình: “Đây là người bạn đầu đời của em, dù cô có già đi bao nhiêu, em cũng không bao giờ quên cô!”. Là một trong những học trò cũ của cô Linh, cũng là giáo viên dạy tại ngôi trường do cô Linh đang quản lý, cô Nguyễn Thị Hạnh bày tỏ: “Ấn tượng về cô Linh trong tôi là một cô giáo hiền, hát hay, thương trò, nên tôi rất thích đến lớp. Tôi trở thành cô giáo mầm non cũng có một phần ấn tượng từ hồi học cô”. Con gái cô Linh, em Nguyễn Ngọc Bảo Trinh giờ cũng chọn theo nghề của mẹ, hiện là sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang.


Năm học 2013-2014, khi lần đầu được giao bồi dưỡng HS giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, cô Thạch và 2 HS đã miệt mài ôn luyện cả trưa hay tối. Niềm vui vỡ òa khi có được 1 giải nhất, 1 giải nhì cấp huyện, sau đó là 1 giải ba, 1 giải khuyến khích cấp tỉnh. Như một cơ duyên, 2 em HS này đều chọn nghiệp “đưa đò” như cô giáo từng dạy mình năm đó.


“Mình hết lòng vì học trò, học trò sẽ thương yêu lại mình”, đó là tâm niệm của cô Ân ngay từ những ngày đầu theo nghề giáo. Món quà các học trò nhỏ tặng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam dù chỉ là những bông hoa dại hái ven đường, hay trái đu đủ, trái bí xanh vườn nhà, gói mì tôm, bánh quy HS bọc trong tờ giấy báo… cũng đều khiến các thầy cô xúc động. Những tình cảm chân thành, đơn sơ đó chính là động lực để các thầy cô tiếp tục yêu nghề, tiếp tục cống hiến.

 

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Những năm qua, giáo dục miền núi của tỉnh ngày càng được quan tâm và có nhiều khởi sắc. Trong đó, không thể không nhắc đến sự đóng góp của các thầy cô đã kiên trì bám trường, bám lớp để mang con chữ đến với HS. Cô Linh, cô Ân, cô Thạch, thầy Hậu… là những giáo viên đã có nhiều đóng góp cho giáo dục miền núi, với nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, được các cấp ghi nhận. Mong rằng, các thầy cô sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục vượt qua khó khăn, mang tri thức đến trẻ em nơi vùng khó.

 
TIỂU MAI - HOÀNG NGÂN




 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp