Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là tại Hàn Quốc, ngày 27-2, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức họp khẩn để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Nhiều khó khăn
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, mặc dù Bộ Y tế đã công bố Khánh Hòa hết dịch Covid-19, song diễn biến vẫn rất khó lường khi dịch bùng phát tại Hàn Quốc - nơi có lượng khách lớn đến Khánh Hòa. Tình trạng này khiến cho công tác phòng, chống dịch đã khó lại càng khó.
Theo Đại tá Nguyễn Viết Định - Phó Giám đốc Công an tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 người Trung Quốc và Hàn Quốc lưu trú. Rút kinh nghiệm từ việc nhập cảnh du khách Hàn Quốc tại Đà Nẵng, lãnh đạo Công an tỉnh đề nghị nếu cần thiết không cho những hành khách đến từ vùng dịch nhập cảnh.
Bà Lê Thị Hồng Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh cho biết, hầu hết người Việt trở về từ Hàn Quốc đều kết nối các chuyến bay đi nơi khác đến, nên rất khó quản lý, giám sát. Hiện nay, sân bay quốc tế có khoảng 1.400 khách đến, 1.000 khách đi trong ngày, trong khi chỉ có 3 phòng cách ly, 1 phòng hàng hóa, 1 phòng khám sàng lọc và 1 phòng chứa được 100 người cách ly tạm thời. Do đó, phía sân bay quốc tế sẽ kiến nghị với Cục Hàng không không cho khách ở vùng dịch đến được nhập cảnh.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, đã chuẩn bị 2 khu vực để phục vụ cho việc cách ly ở Nha Trang và Ninh Hòa; điện, nước, phương tiện đi lại đều đã sẵn sàng. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là người dân chưa thật sự đồng thuận về địa điểm cách ly hiện nay, mặc dù đã được tuyên truyền.
Các địa phương cũng phản ánh về việc thiếu cơ sở vật chất cùng các điều kiện đi kèm khi thực hiện cách ly. Ví dụ như Cam Lâm, cơ sở cách ly chỉ có 15 giường, nếu số ca cách ly tăng cao, địa phương sẽ không đủ điều kiện để ứng phó. Hoặc, tình trạng thiếu phiên dịch tiếng Hàn sẽ dẫn tới khó khăn cho ngành Y tế khi thực hiện cách ly và giám sát.
Sớm đưa khu cách ly tập trung vào hoạt động
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, sau gần 10 ngày không còn ca cách ly, đến ngày 27-2, các cơ sở y tế tiếp nhận cách ly 32 trường hợp (đến từ Hàn Quốc) nghi ngờ và có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch Covid-19. Dự báo trong thời gian tới, số du học sinh và người lao động Việt Nam trở về từ Hàn Quốc sẽ tăng cao. “Hiện nay, việc cách ly tập trung đều đưa hết về các bệnh viện, nếu số lượng cách ly tăng cao sẽ gây quá tải, chưa kể dễ bị nhiễm chéo và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho các bệnh nhân khác và người dân tại địa phương”, bác sĩ Minh nói. Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho rằng, bệnh viện chỉ nên là nơi điều trị chứ không phải nơi cách ly. Những ngày vừa qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh luôn rơi vào tình trạng quá tải vì các trường hợp cách ly.
Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh sớm đưa 2 cơ sở cách ly thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý đi vào hoạt động để cách ly những người không có triệu chứng bệnh. Đối với du khách Hàn Quốc và các nước khác, khi yêu cầu cách ly tại cơ sở y tế nếu họ không chịu, cần đưa vào cơ sở cách ly nói trên hoặc tại cơ sở lưu trú, có sự giám sát của nhân viên y tế. Những trường hợp du khách, công dân Việt Nam từ Hàn Quốc trở về từ ngày 9-2, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách, nhất là những người đến từ hoặc đi qua TP. Daegu và khu Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) để theo dõi, cách ly, giám sát.
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho học sinh đi học trở lại. “Sở yêu cầu các trường tiếp tục vệ sinh, khử khuẩn trường lớp. Khi học sinh đi học lại, đề nghị phụ huynh tự đo thân nhiệt cho con trước khi đến trường. Sở cũng đã tập huấn cho toàn bộ giáo viên về phương pháp ôn tập cho học sinh trên mạng; sẽ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12”, bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Đối với tình trạng thiếu phiên dịch tiếng Hàn, Sở Ngoại vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh đề nghị Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam hỗ trợ. Thời gian tới, Sở Ngoại vụ sẽ làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc để có công hàm thông báo cho người Hàn Quốc biết những quy định của Việt Nam về phòng, chống dịch Covid-19.
Các phương án ứng phó
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Tài đề nghị ban chỉ đạo các huyện phải theo sát, lưu ý tình hình người Việt trở về từ Hàn Quốc. Mặc dù Bộ Y tế đã có quyết định công bố hết dịch, nhưng nhiệm vụ phòng, chống dịch vẫn hết sức khẩn trương, không chủ quan, nhất là trước những diễn biến mới như hiện nay.
Ông Nguyễn Đắc Tài yêu cầu các cơ quan liên quan ở cửa khẩu thực hiện nghiêm ngặt quy trình đo, giám sát thân nhiệt, không để lọt, để sót những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Công tác phòng, chống dịch phải kiểm soát chặt từ các cửa khẩu. Sân bay cần có sự kết hợp tốt với các cơ quan chức năng, nếu có vướng mắc sớm báo cáo để giải quyết. Trước đây, các trường hợp nghi ngờ đều đưa về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, khi quá tải mới đưa về Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Với tình hình như hiện nay, vẫn tiếp tục sử dụng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh là nơi tiếp nhận chính. Trong trường hợp số ca cần cách ly tăng đột biến sẽ đưa về khu cách ly của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ngay chiều 27-2, ngành Y tế phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khảo sát và có hướng dẫn cụ thể về y tế, điều kiện ăn ở cũng như các địa điểm dự phòng.
Ông Nguyễn Đắc Tài cũng giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng địa phương về công tác phòng, chống dịch. Trong khi chờ quyết định của Trung ương về thời điểm cho học sinh đi học lại, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tiếp tục vệ sinh, khử khuẩn; duy trì việc giao bài tập cho học sinh ở nhà tự học. “Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền giải thích cho người dân ở nơi có người cách ly hiểu, tránh kỳ thị. Sở Tài chính xin ý kiến của Bộ Tài chính về chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch trong tình huống sau khi tỉnh đã công bố hết dịch nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn ở mức cao…”, Ông Nguyễn Đắc Tài nhấn mạnh.
THẢO LY - ĐÌNH LÂM