Dự kiến phải đến ngày 15/11, tuyến đường sắt Bắc - Nam, mới có thể thông tuyến.
Theo ông Mạnh, do đèo Cả sạt lở nên các tàu thống nhất phải dừng lại tại các ga. Hiện ngành đường sắt đã dùng ôtô khách loại 50 chỗ để trung chuyển khách từ ga Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) sang ga Hảo Sơn (huyện Đông Hòa, Phú Yên) và ngược lại.
Trong khi đó, hành khách đi tàu từ Bắc vào Nam phải xuống tàu lên xe trung chuyển để đưa vào ga Vạn Giã tiếp tục hành trình vào TP.HCM.
Thời gian khắc phục sự cố kéo dài là bởi, địa điểm xảy ra sạt lở có địa hình rất hiểm trở. Mọi công đoạn khắc phục, như xuống đá, hay xếp rọ đá, đều phải làm thủ công bằng sức người. Hơn 300 lao động, hiện vẫn đang làm việc liên tục cả ngày, lẫn đêm.
Ban chỉ huy khắc phục sự cố sạt lở vẫn thống nhất phương án trước mắt xây kè đá bằng rọ sắt ở lưng chừng điểm sạt lở đến mép giáp đường ray để tạm thời cho tàu di chuyển qua khu vực này. Sau đó mới gia cố thêm phần còn lại.
"Do thực tế thi công có quá nhiều khó khăn nên không thể hoàn thành đúng như dự kiến. Mỗi ngày, có hơn 300 công nhân, lao động luân phiên chuyển từ ga Hảo Sơn (Phú Yên) vào khu vực sạt lở để làm việc 24/24 giờ. Nhưng do địa hình rất hẹp, công nhân chỉ chuyển được khoảng 100m3 đá/ngày".
Đường sắt qua đèo Cả, ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hoà vẫn bị chia cắt. Khách đi tàu phải chuyển tải qua đường bộ đoạn này cho đến ngày 15/11.