Hàng ngàn tỷ vốn vay bị thiệt hại
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, sau cơn bão số 12, tình hình vốn vay bị thiệt hại tại các tổ chức tín dụng (TCTD) (chưa bao gồm Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội) tương đối lớn.
Cụ thể, với những đối tượng thuộc Nghị định 55/2015/NĐ/CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có 5.070 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ vay 1.192,5 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng thiệt hại ước tính khoảng 589 tỷ đồng. Với những đối tượng không thuộc Nghị định 55 có 1.108 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ vay 6.364 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng bị thiệt hại đang xác định.
Sau khi đến thăm hỏi và nắm bắt tình hình thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra trên địa bàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã ban hành công văn số 891/KHH-THNSKSNB về hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 12, chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn: Rà soát các khoản vay nợ của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mưa bão, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vốn vay, tiếp tục cho vay mới... giúp khách hàng khôi phục và ổn định sản xuất.
Để đảm bảo vấn để điều hòa tiền mặt, cung tiền kịp thời cho các TCTD, từ ngày 6/11/2017 đến ngày 13/11/2017, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đã chi 949 tỷ đồng, phục vụ kịp thời nhu cầu tiền mặt cho người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão số 12.
Cần nhanh và kịp thời
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị: Đối với các đối tượng theo quy định của hệ thống ngân hàng được phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cần nhanh chóng hướng dẫn các thủ tục cần thiết.
“Tôi đề nghị nên linh hoạt trong các thủ tục, đặc thù riêng, nếu có gì khó khăn thì đề nghị với Ngân hàng Nhà nước. Với quy trình thủ tục, hồ sơ thiệt hại nên có một quy trình gọn”, ông Hải đề nghị.
Trước những đề nghị của đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Sau khi bão đổ bộ vào và có những thông tin thiệt hại thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng cũng như các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các tỉnh Nam Trung Bộ từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa xử lý nghiệp vụ về các khoản vay cũng như chỉ đạo về hỗ trợ an sinh xã hội cho các địa phương bị thiệt hại.
“Trước hết là phải xem xét cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giãn nợ cho các khách hàng trực tiếp bị thiệt hại. Cái thứ 2 nữa là tiếp tục cho vay mới. Sau khi xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi trong thẩm quyền các tổ chức tín dụng đề nghị xem xét để cho vay mới trên cơ sở các phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng”, ông Tần nói.