Từ khi cầu nối thôn Nước Ngọt và thôn Bình Lập (xã Cam Lập) bị lũ đánh sập vào tháng 11-2018, việc đi lại của hơn 300 hộ dân ở thôn Bình Lập gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở bán đảo Bình Lập cũng gặp khó vì không thể vận chuyển hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Cam Lập cho biết, tháng 12-2018, UBND TP. Cam Ranh đầu tư kinh phí để xây dựng một cầu và đường tạm cách vị trí cầu cũ khoảng 100m. Tổng chiều dài của cả đường và cầu tạm hơn 300m, rộng 2m, trong đó có đường tạm làm bằng đá chẻ, đắp đất phía trên cùng 2 nhịp cầu bằng sắt; vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng. Đây là giải pháp tạm thời để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng xe đạp, xe gắn máy của người dân cũng như giáo viên từ thôn Nước Ngọt qua thôn Bình Lập dạy học.
Theo lãnh đạo xã Cam Lập, tại khu vực thôn Bình Lập có hàng chục hộ dân nuôi trồng thủy sản và nuôi tôm giống. Tình trạng cầu sập khiến các hộ này gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển thức ăn, xuất bán sản phẩm. Nhiều người phải làm bè để vận chuyển nhưng cũng nhiều bất cập, tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, đường tạm ô tô không đi được nên cũng khó khăn trong quá trình trung chuyển.
Để giải quyết tình trạng này, một hộ nuôi tôm giống đã đầu tư hệ thống tời hàng qua sông. Hàng ngày, nhân viên tập kết hàng vào thùng rồi tời từ thôn Nước Ngọt qua thôn Bình Lập, sau đó tời các thùng hàng đã đóng gói ngược lại để vận chuyển đi tiêu thụ. Các hộ nuôi trồng thủy sản khác cũng làm theo cách này để tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn cho hàng hóa. Tuy nhiên, khối lượng thức ăn cho tôm quá lớn nên nhiều hộ vẫn phải vận chuyển bằng cách dùng xe máy tăng bo qua cầu tạm rồi có xe tải bên phía thôn Bình Lập chở ra các bè tôm.
Ông Nguyễn Văn Ất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Lập cho biết, toàn thôn Bình Lập có hơn 140 hộ nuôi tôm hùm với quy mô hơn 2.300 lồng. Mỗi ngày người dân phải vận chuyển khoảng 34 tấn thức ăn từ đất liền qua bán đảo. Vì vậy, việc không có cầu kiên cố cho xe tải chạy qua khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí. Rất mong UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí xây cầu để việc đi lại giữa đất liền và bán đảo Bình Lập được thuận lợi, sản xuất kinh doanh được duy trì và phát triển.
VĂN KỲ
Tăng bo du khách
Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, hiện nay, các khu du lịch trên bán đảo Bình Lập như: Ngọc Sương, Sao Biển… phải cử nhân viên túc trực tại đoạn đường tạm để đón du khách, sau đó tăng bo bằng xe máy qua thôn Bình Lập rồi đưa lên ô tô chở đến các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng. Tình trạng này khiến nhiều du khách ngại đi, doanh thu giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến môi trường du lịch tại đây.