Năm 2019, lĩnh vực đóng tàu biển có chiều hướng tăng trưởng trở lại. Số lượng tàu đóng mới dự báo tăng cao sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) phụ trợ tăng trưởng.
Dự báo đơn hàng tăng cao
Ông Võ Ngọc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Cam Ranh cho biết, năm 2019, đơn hàng tăng hơn năm trước. Công ty đặt mục tiêu sẽ đạt doanh thu 44 tỷ đồng, đóng mới 4 con tàu có tải trọng lớn; đồng thời sẽ tập trung đầu tư đóng các loại tàu nhỏ và làm dịch vụ bảo dưỡng. Đặc biệt, công ty đang đàm phán với đối tác đến từ Na Uy về các đơn hàng mới. Bên cạnh sản phẩm tàu cá vỏ thép, công ty cũng đã đóng mới tàu hai thân phục vụ du lịch và các sản phẩm khác như tàu kéo...
Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) bước vào năm 2019 với dự báo mức độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều. Năm nay, HVS phấn đấu đóng và bàn giao 18 con tàu, doanh thu đạt 461 triệu USD. Với số lượng tàu đóng mới lớn như vậy, các DN phụ trợ đóng tàu cho HVS sẽ có rất nhiều đơn hàng.
Ông Đoàn Văn Thạch - Giám đốc Nhà máy Seyoung - Hòa Hiệp (Khu công nghiệp Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) nhận định: “Với sản lượng tàu biển đóng mới tăng như vậy, đơn hàng dành cho các DN phụ trợ chắc chắn cũng tăng. DN chúng tôi sẽ cung ứng những nguyên vật liệu, phụ kiện cho HVS. Để chuẩn bị cho sự hợp tác này, Nhà máy Seyoung - Hòa Hiệp đã đào tạo được đội ngũ công nhân, kỹ sư đủ trình độ, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của ngành đóng tàu. Máy móc sản xuất cũng được DN nhập về từ Hàn Quốc để phục vụ cho sản xuất các bộ phận phụ của tàu biển”.
Phát huy thế mạnh
Hiện nay, toàn tỉnh có 13 dự án hỗ trợ công nghiệp đóng tàu với số vốn đầu tư nước ngoài 19 triệu USD. Từ nhiều năm nay, các DN cơ khí phụ trợ đóng tàu của tỉnh đã trở thành sự lựa chọn đầu tiên của HVS và các nhà máy đóng tàu khác. Điều này đã phần nào khẳng định được thế mạnh của Khánh Hòa trong lĩnh vực này. Các hạng mục phụ trợ mà các DN cơ khí thường xuyên thi công gồm: lan can, cầu thang, thông gió, ống khói, sàn thao tác... của tàu thủy. Đặc biệt, tất cả những sản phẩm này đều lắp ráp cho tàu thủy xuất khẩu đi các nước châu Âu và những thị trường khó tính. Qua đánh giá của các công ty đóng tàu, những sản phẩm cơ khí phụ trợ tàu biển do các DN tại Khánh Hòa thực hiện có độ chính xác cao, đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).
Ông Phạm Văn Lượm - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Bảo cho biết: “So với bình diện chung trong cả nước, các DN hỗ trợ đóng tàu của tỉnh thuộc tốp đầu. Hiện nay, chúng ta đủ năng lực để thi công các chi tiết phụ trên tàu thủy của DN hàng đầu trong lĩnh vực tàu thủy của thế giới như HVS. Cũng nhờ có sự hiện diện của HVS nên hơn 20 năm qua đã tạo ra được một nguồn nhân lực kỹ sư, công nhân đóng tàu có tay nghề rất cao. Các đơn hàng mà HVS đặt luôn đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao, do đó giúp cho các DN phụ trợ tiếp cận được những tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực thực hiện tất cả các hạng mục phụ trên tàu thủy. Đây là thế mạnh cần được các DN phụ trợ đóng tàu biển phát huy nhằm tạo vị thế riêng trên thị trường”.
Được biết, Công ty TNHH Hưng Bảo, Công ty TNHH Sản xuất - thương mại HTH, Công ty Cổ phần Công nghiệp Hiệp Thành, Công ty Seyoung Hòa Hiệp và Công ty TNHH Jet Vina... được đánh giá là những đơn vị có năng lực, đáp ứng được tiêu chuẩn của IMO. Ở các DN này, hơn 70% người lao động có trình độ từ trung cấp hoặc tương đương trung cấp trở lên. Đội ngũ kỹ sư đa phần kinh qua môi trường làm việc tại các nhà máy đóng tàu lớn.
Ông Go Jin Young - Tổng Giám đốc HVS cho biết: “Chúng tôi đang kỳ vọng rất lớn vào các DN phụ trợ đóng tàu trên địa bàn tỉnh. Bởi năm nay, lượng tàu đóng mới của chúng tôi tăng lên rất nhiều và các năm tiếp theo số lượng tàu đóng mới sẽ còn tăng hơn nữa. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các DN phụ trợ. Để tạo điều kiện cho các DN này phát triển, HVS sẽ hỗ trợ họ nâng cao công nghệ, kỹ thuật, bản vẽ thiết kế, thậm chí ứng trước kinh phí để các DN có thể chuẩn bị tốt nhất cho sản xuất”.
ĐÌNH LÂM