Những năm qua, huyện Vạn Ninh đã triển khai tốt công tác tín dụng dành cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thuộc 6 xã khó khăn (Đại Lãnh, Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Vạn Long, Vạn Phước, Vạn Khánh). Từ nguồn vốn này đã tạo động lực giúp hàng trăm hộ vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Sử dụng nguồn vốn hiệu quả
Trước đây, gia đình ông Trần Hiệp (xã Vạn Thạnh) sống bằng nghề làm thuê, làm mướn nên cuộc sống chỉ đủ ăn qua ngày. Năm 2015, được Hội Nông dân xã hướng dẫn, ông vay 20 triệu đồng vốn tín dụng chính sách dành cho vùng khó khăn để làm bè nuôi tôm. Với số vốn ban đầu, ông đã đóng được 5 ô lồng thả nuôi 300 con tôm hùm. Sau gần 1 năm chăm sóc, ông xuất bán, lời được gần 100 triệu đồng. Thấy hiệu quả, ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô qua các năm và đến nay đã phát triển được hơn 50 ô lồng, mỗi đợt thả nuôi hơn 10.000 con tôm hùm. Từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình ông đã trở thành hộ khá giả, xây dựng được căn nhà mới khang trang, con cái có điều kiện ăn học. Ông Hiệp chia sẻ: “Gia đình tôi có được cuộc sống khá giả hôm nay là nhờ nguồn vốn tín dụng, cùng với sự chịu khó và niềm tin trong lao động. Hiện nay, lồng bè của gia đình cũng đã đưa vào vùng quy hoạch và thực hiện kê khai theo quy định nên rất an tâm. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng lên 70 ô lồng”.
Nắm bắt được cơ hội phát triển nghề sản xuất kẹo dừa, kẹo đậu phộng, năm 2011, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (xã Vạn Long) đã làm đơn vay 20 triệu động vốn tín dụng chính sách dành cho hộ kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư trang thiết bị. Từ đó, sản phẩm làm ra đẹp, năng suất cao hơn và lợi nhuận cũng nâng lên. Năm 2016, bà Lan còn vận động những hộ gia đình cùng làm nghề tham gia tổ hợp tác sản xuất kẹo. Đồng thời, vay hơn 100 triệu đồng vốn tín dụng đầu tư mua sắm máy móc và nguyên vật liệu sản xuất theo dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh. Nhờ đó, đến nay, tổ hợp tác đang tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động nữ địa phương. Mỗi ngày, tổ hợp tác sản xuất được gần 3.000 sản phẩm, tiêu thụ ở trong tỉnh và các tỉnh, thành như: Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng… Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng thu về hơn 100 triệu đồng, mỗi chị em được hơn 5 triệu đồng/tháng.
Hơn 1.000 hộ được vay vốn
Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (xã Vạn Khánh) là một trong những hộ phát triển kinh tế ổn định nhờ vay vốn tín dụng đầu tư nuôi gà thả vườn. Trang trại của gia đình ông có khoảng 1.000 con gà thịt, hơn 2.000 con gà từ 1 đến 3 tuần tuổi và hơn 400 con gà mái đẻ. Ông Hùng cho biết, trước đây, ông làm nghề khai thác đá, rồi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng đều thất bại. Khi xã mở lớp dạy nghề nuôi gà thả vườn, ông đăng ký học, rồi vay 50 triệu đồng vốn tín dụng chính sách vùng khó khăn đầu tư làm chuồng trại, trồng cây xanh tạo bóng mát. Giờ đây, mỗi năm, ông thả nuôi 2 lứa gà thịt; sau hơn 3 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng từ 1,8kg đến 2kg/con, bán với giá 80.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư nuôi thêm gà đẻ và mua máy ấp trứng để tạo con giống, cung cấp giống cho những người có nhu cầu. Với cách làm ăn này, gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm...
Theo thống kê của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vạn Ninh, đến nay, tổng dư nợ của 13 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện đạt hơn 344 tỷ đồng, với hơn 19.900 khách hàng vay vốn. |
Ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vạn Ninh cho biết, đến nay, chỉ tính riêng nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại 6 xã khó khăn trên địa bàn huyện có tổng dư nợ hơn 42 tỷ đồng với hơn 1.000 hộ vay vốn. Nguồn vốn này phát huy hiệu quả rất tốt, tạo động lực và giúp các hộ có điều kiện đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình. Đã có hàng trăm hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn đã vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình ở các xã khó khăn còn rất lớn với tổng nhu cầu hơn 10 tỷ đồng. Do đó, đơn vị đã kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Trung ương quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn để người dân vay làm ăn.
Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, những năm qua, nguồn vốn tín dụng dành cho vùng khó khăn đã giúp rất nhiều hộ có vốn làm ăn, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Nguồn vốn được giải ngân tại các xã nên rất thuận lợi cho người dân tiếp cận. Bên cạnh đó, huyện luôn chỉ đạo 4 tổ chức hội: phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh ký kết hợp đồng ủy thác; triển khai rà soát, xác định đúng đối tượng để cho vay vốn; thành lập hơn 340 tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn để đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng. Quy trình xét duyệt, kiểm tra đối tượng vay cũng được thực hiện chặt chẽ. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các nguồn vốn vay để có nhiều hộ được hưởng lợi.
PHÚ AN