Với thực trạng hàng chục héc-ta rừng trồng phòng hộ tại tiểu khu 314, dọc tuyến đường đèo Khánh Sơn đang được Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm khai thác trắng, UBND huyện Khánh Sơn đã có văn bản kiến nghị tỉnh chỉ đạo việc quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc khai thác rừng trồng phòng hộ tại khu vực phía đông đèo Khánh Sơn.
Mất rừng, đường đèo sạt lở
Tỉnh lộ 9, đoạn từ chân đèo đến đỉnh đèo Khánh Sơn có chiều dài 10km, trước đây, dọc 2 bên tuyến đường được phủ xanh bởi rừng trồng phòng hộ. Tuy nhiên, qua những đợt khai thác trắng rừng trồng phòng hộ, hiện nay, tuyến đường này gần như trống trơn, rừng phòng hộ không còn nên cứ mỗi mùa mưa lũ, Tỉnh lộ 9 lại bị chia cắt, nặng nhất là đợt mưa lũ cuối năm 2018, lũ quét cuốn phăng một đoạn đường khá dài, gây chia cắt giao thông nhiều ngày. Hiện nay, hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ trên tuyến đường đèo Khánh Sơn vẫn tiếp tục được đơn vị thi công triển khai khắc phục, gia cố.
Hiện nay, tình trạng khai thác rừng trồng phòng hộ diễn ra rầm rộ, trên quy mô hàng chục héc-ta tại khu vực đỉnh đèo Khánh Sơn (đối diện Trạm Kiểm lâm Ba Cụm Bắc) thuộc khoảnh 6, tiểu khu 314. Trước đó, từ năm 2014 đến 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm cũng đã khai thác trắng hầu hết trong số 200ha rừng trồng phòng hộ dọc theo tuyến đường đèo Khánh Sơn, kéo theo tình trạng sạt lở những mùa mưa sau.
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, việc tuyến đường đèo Khánh Sơn sạt lở nghiêm trọng, lũ quét trong thời gian qua bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp còn một phần do nạn chặt phá rừng bừa bãi tại đây. Tuy diện tích đất rừng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn thuộc địa phận huyện Cam Lâm, nhưng lại có tác động trực tiếp đến giao thông, đi lại của người dân Khánh Sơn. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị tỉnh chỉ đạo việc bảo vệ diện tích rừng trồng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn; việc trồng rừng phòng hộ cần lựa chọn các loại cây lâu năm như: dầu, sao, hương… để giữ rừng, hạn chế sạt lở nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tuy nhiên thực tế vẫn chưa có chuyển biến.
“Bất khả kháng mới thanh lý”
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm. Theo ông Cảnh: “Chúng tôi luôn xác định phải giữ và bảo vệ rừng trồng phòng hộ tại khu vực này, bởi rừng tại đây có chức năng phòng hộ cho tuyến đường đèo Tỉnh lộ 9 và phòng hộ cho hồ Tà Rục. Chỉ những lý do bất khả kháng như: thiệt hại do hạn hán, bão thì đơn vị chủ rừng mới đề xuất thanh lý rừng trồng phòng hộ, nếu không sẽ thực hiện nghiêm theo Quy chế quản lý rừng phòng hộ do Thủ tướng Chính phủ ban hành”.
Theo lý giải của lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm, những năm 2014 - 2016, việc thanh lý rừng trồng phòng hộ dọc tuyến đường đèo Khánh Sơn là do hạn hán khiến mật độ cây chết quá lớn, đã được cấp có thẩm quyền cho phép. Còn đối với việc thanh lý hơn 79ha rừng tại khoảnh 1 và khoảnh 6 tiểu khu 314 hiện nay là do rừng bị thiệt hại bởi cơn bão số 12 năm 2017. Tại những khu vực rừng bị gãy đổ, mật độ không đảm bảo tính năng phòng hộ và lượng vật liệu cháy trong rừng rất lớn. Việc thanh lý rừng trồng phòng hộ phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục thì chủ rừng mới tiến hành khai thác rừng trồng. Sau khi khai thác xong, đơn vị tiến hành trồng lại rừng ngay. Việc lựa chọn cây keo lá tràm ươm bằng hạt là vì loại cây này sinh trưởng nhanh, chỉ trong vòng 3 năm là khép tán, sớm thành rừng để đảm bảo tính năng phòng hộ. Hiện nay, ban quản lý tiến hành ươm giống, trồng thử nghiệm các loài cây bản địa như: chang chang, muồng… nếu phát triển tốt sẽ đưa vào trồng phòng hộ tại khu vực tuyến đường đèo Khánh Sơn để đảm bảo rừng phòng hộ về lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Nhuận cho biết, Thường trực Tỉnh ủy đã có kết luận, chỉ đạo phải quản lý chặt rừng trồng phòng hộ tại khu vực phía đông đèo Khánh Sơn; không được khai thác rừng trồng tại các khu vực phòng hộ nhằm giữ đất, chống sạt lở, đảm bảo giao thông trên toàn tuyến Tỉnh lộ 9… UBND huyện Khánh Sơn kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác quản lý rừng phòng hộ và kiểm tra chặt chẽ việc khai thác rừng trồng tại khu vực phía đông đèo Khánh Sơn.
HẢI LĂNG