Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ bên lề buổi làm việc về quy trình phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện 199, Bộ Công an tại Đà Nẵng.
Đỉnh dịch sắp xuất hiện
- Thứ trưởng có thể cho biết những khó khăn chúng ta đang phải đối mặt trong đợt dịch này là gì?
- Ở giai đoạn 1, dịch xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng chỉ có một số nhân viên Công ty Trường Sinh và điều dưỡng mắc bệnh. Giai đoạn 2 khởi phát tại bệnh viện và lây lan cho nhiều bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế tại 3 cơ sở y tế. Trong đó, rất nhiều trường hợp có bệnh nền nặng, nguy cơ tử vong cao.
Bên cạnh những ca mắc Covid-19 đã được truy vết, một số trường hợp không liên quan đến bệnh viện. Công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn 1. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có những chỉ đạo quyết liệt.
TP Đà Nẵng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Còn tại Quảng Nam, 6/12 đơn vị hành chính thực hiện chỉ thị này. Nếu toàn bộ nhân dân trong những vùng nguy cơ thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, chúng ta mới hy vọng dập được dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên. Ảnh: T.D. |
- Bộ Y tế huy động nhân lực như thế nào để đối phó đợt dịch Covid-19 này?
- Bộ Y tế đã phản ứng rất nhanh với dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. Từ khi bắt đầu dịch, bộ đã cử 6 đội chuyên trách đến Đà Nẵng.
Ngày 30/7, Bộ Y tế cử bộ phận thường trực đặc biệt với nhiệm vụ toàn quyền huy động nhân lực, nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch, gồm 4 đội: Xét nghiệm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang), điều trị (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy), giám sát - truy vết (Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương) và đội truyền thông.
Trong đó, thành lập đội truyền thông là sự khác biệt so với giai đoạn 1. Chúng tôi mong muốn đem những thông tin chính thống, trung thực và nhanh chóng đến với người dân.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng điều động thêm bác sĩ tâm lý tới Đà Nẵng. Việc tham gia của chuyên gia tâm lý trong phòng, chống dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp rất cần thiết. Bên cạnh truyền thông, việc ổn định tâm lý người dân rất quan trọng, giúp họ an tâm và tin tưởng hơn trong công tác phòng, chống dịch.
- Ông đánh giá công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng hiện nay ra sao?
- Bộ Y tế đã triển khai những gì tốt nhất trong việc phòng, chống dịch tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, chúng ta phải triển khai tốt hơn nữa so với giai đoạn hiện nay như mở rộng năng lực xét nghiệm, tăng cường khả năng của đội truy vết, nỗ lực trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Số lượng bệnh nhân còn tăng lên. Đỉnh dịch sẽ đến trong vòng 10 ngày tới. Chúng ta không thể chủ quan dù công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch được thực hiện quyết liệt. Qua phân tích sự lây nhiễm của virus, trong 10 ngày tiếp theo, người dân cần cẩn thận, tuân thủ nghiêm túc những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 16. Đồng thời mọi người cần tin tưởng vào sự nỗ lực của ngành y tế trong việc khống chế dịch bệnh.
Bệnh viện C Đà Nẵng được mở cửa lại
- Với các bệnh viện đang bị phong tỏa tại Đà Nẵng, Bộ Y tế có thể đưa ra thời gian mở cửa trở lại không?
- Thời gian mở cửa của Bệnh viện C là 7/8; hai bệnh viện còn lại thuộc thẩm quyền của TP Đà Nẵng nên sẽ do UBND quyết định.
Hiện nay, sau khi làm sạch bệnh viện, chúng ta phải đảm bảo nơi đó an toàn cho người bệnh đến khám và điều trị. Cơ sở y tế sẽ được đánh giá qua bộ tiêu chí an toàn bệnh viện trong dịch Covid-19 do Bộ Y tế ban hành. Sau đó, bệnh viện cần có quy trình phân luồng bệnh nhân, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp có triệu chứng hô hấp để không lây lan dịch.
- Hiện việc làm sạch 3 bệnh viện đã xong. Tại sao chúng ta cần có sự chi viện đông như vậy đối với Đà Nẵng?
- Đối với giai đoạn 2 của đợt dịch Covid-19, chúng ta có sự khởi phát từ bệnh viện và rất nhiều bệnh nhân. Người nhà và những nhân viên y tế tiếp xúc cũng bị nhiễm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có không ít ca nặng do nhiều bệnh lý nền.
Việc truy vết trong cộng đồng cũng đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều chuyên gia. Do vậy, ngoài sử dụng nhân lực tại thành phố này, Đà Nẵng cũng rất cần sự chi viện từ trung ương, các bệnh viện nhằm hỗ trợ điều trị và xây dựng những cơ sở tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 như Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Không chỉ vậy, Bộ Y tế đã cử những chuyên gia hàng đầu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) hỗ trợ công tác truy vết tại cộng đồng.
- Việc truy vết F0 tại Đà Nẵng được thực hiện như thế nào?
- Đó không phải là mục tiêu của Bộ Y tế tại thời điểm này. Hiện tại, mục tiêu là sử dụng xét nghiệm kháng thể để phát hiện những ca nhiễm trong cộng đồng và truy vết người tiếp xúc với trường hợp đó, tìm ra đối tượng bị lây nhiễm gần.
- Sau 14 ngày, việc giải tỏa và cách ly tại Đà Nẵng sẽ như thế nào?
- Với việc cách ly theo đúng quy định Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế hy vọng Đà Nẵng và các lực lượng chức năng trong thành phố sẽ nỗ lực giảm ca mắc mới. Như vậy, sau 14 ngày, chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh. Thành phố sẽ có những chuyển biến từ thực hiện Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyền Bộ trưởng Y tế: 'Đừng để có một ca bệnh mà phong tỏa cả viện'Theo ông Nguyễn Thanh Long, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện là vấn đề cần thực hiện nghiêm túc. |