Tập trung nâng cao hiệu quả cây trồng

Chủ nhật - 29/01/2023 12:20
Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa về công tác trồng trọt, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá cao kết quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh trong những năm qua. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tập trung nâng cao hiệu quả cây trồng

Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về công tác trồng trọt, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đánh giá cao kết quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh trong những năm qua. Đồng thời, đề nghị Sở NN-PTNT thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.


Tích cực hỗ trợ chuyển đổi cây trồng


Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2023, kế hoạch toàn tỉnh gieo trồng gần 93.000ha cây hàng năm. Đối với cây lâu năm, ngoài diện tích cây công nghiệp, toàn tỉnh có hơn 17.700ha cây ăn quả chủ yếu là xoài, bưởi, sầu riêng và chuối phát triển ổn định. Đây là những loại cây trồng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Khánh Hòa, cho năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Để nâng cao hiệu quả cây trồng, những năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, chủ yếu chuyển đổi từ diện tích vườn rẫy tạp sang trồng cây ăn quả, cây hàng năm; chuyển đổi diện tích trồng lúa 1 vụ gặp khó khăn về nước tưới sang trồng rau màu. Tỉnh đã triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi cây trồng, như: hỗ trợ về giống, phân bón, hệ thống tưới… Kết quả giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi cây trồng 2.000ha. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến chuyển đổi 5.800ha cây hàng năm, lâu năm kém hiệu quả sang cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Sầu riêng là cây trồng chủ lực của huyện Khánh Sơn, mang lại giá trị kinh tế cao.  Ảnh: K.N

Sầu riêng là cây trồng chủ lực của huyện Khánh Sơn, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: K.N


Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, những năm qua, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đầu tư mở rộng sản xuất, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, rau màu có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 22 mã số vùng trồng và 3 mã số đóng gói phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước đối với xoài, sầu riêng và lúa.


Chủ động trong sản xuất


Trong hơn 5 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động tăng cao. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng hiện nay chỉ áp dụng ở những địa phương khó khăn, miền núi, không còn áp dụng đại trà như trước; cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng; nhiều loại nông sản chưa có thị trường ổn định.


Theo bà Lương Kim Ngân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để chủ động trong sản xuất năm 2023, Sở NN-PTNT đã hướng dẫn các địa phương và cơ quan chuyên môn rà soát, triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ, bổ sung kịp thời trong trường hợp thiếu giống, vật tư nông nghiệp. Riêng đối với cây lúa, Khánh Hòa tổ chức sản xuất theo từng vùng. Trong đó, vùng chủ động và an toàn về nguồn nước tổ chức gieo sạ tập trung vào trà chính vụ; đầu tư thâm canh cao; sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao; gieo sạ đúng kế hoạch. Ở vùng có nguy cơ thiếu nước sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn ngắn ngày khác, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Vùng không có khả năng tưới thực hiện chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do nắng hạn.


Đánh giá cao công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh, ông Lê Thanh Tùng đề nghị Sở NN-PTNT tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất, trong trường hợp bị thiệt hại do thiên tai cần có các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Cùng với mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản bằng việc áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao, đề nghị Sở NN-PTNT định hướng nông dân xây dựng các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, nhất là đối với những cây trồng đặc trưng, đặc thù của tỉnh; triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng nhưng cần cân nhắc kỹ việc chuyển đất chuyên trồng lúa sang cây trồng khác; tập trung phát triển cây trồng theo hướng hàng hóa; làm tốt công tác quy hoạch cây trồng, ứng dụng số hóa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị vùng trồng…


Hồng Đăng

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp