Triển khai từ tháng 8-2014, đến nay, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo động lực cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, việc thu tiền dịch vụ môi trường rừng vẫn còn một số khó khăn.
Nguồn lực quan trọng
Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết, những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nên nguồn lực quan trọng giúp đơn vị triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ nguồn lực này, vào cao điểm mùa khô, công ty đã hợp đồng thêm nhân viên để thực hiện tốt hơn công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí thêm nhân lực để tuần tra, bảo vệ rừng ở những địa bàn xung yếu. Năm 2019, công ty có hơn 34.540ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho lưu vực sông Cái Nha Trang phục vụ hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch của các doanh nghiệp, được chi trả hơn 616 triệu đồng.
Lãnh đạo một số chủ rừng nhà nước chia sẻ, nguồn ngân sách cấp hàng năm chỉ đủ cho việc trả lương cho cán bộ, công nhân, còn các hoạt động như phòng cháy, chữa cháy rừng, mua sắm trang thiết bị cho công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn thiếu thốn. Nhờ có tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng mà các đơn vị chủ động hơn trong việc triển khai các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác tuần tra, kiểm soát, diễn tập phòng cháy, chữa cháy hàng năm. Trong khi đó, với các chủ rừng cá nhân, hộ gia đình, tuy số tiền nhận được từ nguồn cung ứng dịch vụ môi trường rừng không lớn nhưng cũng giúp các hộ có thêm nguồn thu nhập từ nghề rừng…
Để tạo bước ngoặt trong chính sách đối với nghề rừng, tháng 8-2014, UBND tỉnh đã thông qua Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đề án này được xác định là động lực thúc đẩy thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, năm nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thu hơn 8,4 tỷ đồng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, gồm 3 đơn vị sản xuất thủy điện, 15 đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch và một số nguồn thu khác. Từ nguồn thu này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tiến hành chi cho 45 chủ rừng là tổ chức và 2.482 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, với mức bình quân 26.000 đồng/ha, tổng số tiền chi trả gần 7 tỷ đồng.
Rà soát đối tượng nộp
Hiện nay, tổng diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh là 112.080ha. Trong đó, có 45 chủ rừng là tổ chức, với diện tích rừng 109.955ha, chiếm 98% tổng diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng và 2.482 hộ, với 2.125ha, chiếm 2% tổng diện tích chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. |
Theo đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp các chủ rừng có thêm nguồn kinh phí để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm chi từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, chính sách này cũng góp phần đáng kể cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là người dân vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, do nguồn thu dịch vụ môi trường rừng còn thấp nên số tiền chi trả cho chủ rừng có cung ứng dịch vụ cũng thấp, vì vậy chưa khuyến khích được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Trong khi đó, một số chủ rừng nhà nước, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có diện tích rừng nhỏ, đơn giá được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng lại thấp nên chưa tích cực tham gia. Một trong những khó khăn hiện nay là một số đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, sản xuất công nghiệp… tìm cách trì hoãn, né tránh trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nộp tiền sử dụng dịch vụ.
Thực hiện Nghị định 156 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và tình hình thực tế tại địa phương, để nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đang tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung đối tượng phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, tất cả các đơn vị sản xuất thủy điện, cung ứng nước sạch, nước sản xuất công nghiệp, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản đều ký hợp đồng ủy thác, thu tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng, trên cơ sở đó giúp tăng nguồn lực để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn.
HẢI LĂNG