2 năm qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung cho người dân thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, rất ít hộ nhận được khoản hỗ trợ này vì vướng chứng từ quyết toán.
Vướng chứng từ
So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Ninh Hòa chủ yếu vẫn ở dạng manh mún, nhỏ lẻ. Bởi vậy, cùng với việc tập trung hỗ trợ cho người dân trong quá trình chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ cao, 2 năm gần đây, việc khuyến khích người dân đầu tư chăn nuôi tập trung, quy mô vừa và lớn được đẩy mạnh. Trong đó, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 là một quyết sách nhằm nâng tầm quy mô sản xuất, chăn nuôi. Nhiều hộ từ cú hích này đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, năm 2018, thị xã có 4 hộ ở xã Ninh Tây đăng ký đầu tư chăn nuôi heo tập trung với tổng đàn 1.000 con. Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi là 359 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 153 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân. Tuy nhiên, UBND xã Ninh Tây chỉ có thể thanh toán cho 1 hộ với số tiền chưa tới 19 triệu đồng, 3 hộ còn lại không cung cấp được chứng từ cần thiết để giải ngân. Tại xã Ninh Vân, 2 hộ đăng ký chuyển đổi nuôi bò, mỗi hộ quy mô 30 con, tổng kinh phí 106 triệu đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 53 triệu đồng, nhưng cũng không hộ nào nhận được hỗ trợ chỉ vì không có chứng từ.
Năm 2019, thị xã Ninh Hòa được phê duyệt, phân bổ kinh phí từ ngân sách tỉnh 257 triệu đồng để hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Có 9 hộ đăng ký chuyển đổi chăn nuôi để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này, trong đó có 6 hộ nuôi gà và 3 hộ nuôi heo ở các xã: Ninh Ích, Ninh Hưng, Ninh Đông, Ninh An, Ninh Phú và Ninh Trung. Tuy nhiên, chỉ có 1 hộ nuôi gà ở Ninh Ích với quy mô 5.500 con được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, các hộ còn lại đều vướng quy định phải có chứng từ thanh quyết toán theo quy định.
Cần tiếp tục sửa đổi
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 được ban hành thông qua Quyết định 661 ngày 13-3-2017 của UBND tỉnh. Chính sách này có nhiều thay đổi tại Quyết định 1609 ngày 7-6-2018 của tỉnh và đến năm 2019 cũng tiếp tục sửa đổi tại Quyết định 491 ngày 21-2.
Ở nội dung hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, điều kiện hỗ trợ là cơ sở chăn nuôi phải nằm trong quy hoạch. Điều này dường như đang làm khó các địa phương, vì quy hoạch chi tiết về chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh nói chung và Ninh Hòa nói riêng chưa được xây dựng. Một vấn đề mà Ninh Hòa đang gặp phải, đó là trong hồ sơ thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ, bên cạnh đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu quy định, các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ phải nộp các giấy tờ như: Hợp đồng, biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng mua bán với đơn vị cung cấp máy, thiết bị để lắp đặt, xây dựng hệ thống sơ chế, cung cấp thức ăn, nước uống; hệ thống xử lý chất thải, điều hòa không khí trong trại chăn nuôi và hóa đơn tài chính.
Theo nhiều hộ dân, việc xây dựng chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi hiện nay hầu hết do người dân mua vật tư nhỏ lẻ ở các cửa hàng khác nhau và tự lắp đặt nhằm giảm chi phí đầu tư. Nhiều trường hợp chi phí để hoàn tất đầy đủ các thủ tục theo quy định chiếm phần lớn số tiền được hỗ trợ nên người dân chưa mặn mà. Đơn cử như một trường hợp đã được hỗ trợ để đầu tư chuồng trại, thiết bị, con giống… để chăn nuôi 200 con heo ở Ninh Tây, kinh phí Nhà nước hỗ trợ chưa tới 19 triệu đồng nhưng hộ này phải mất khá nhiều thời gian, công sức để đi tìm cho được các đơn vị cung ứng vật tư có hóa đơn. “Hỗ trợ không đáng kể so với tổng mức đầu tư, đã vậy còn phải đáp ứng nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp nên mặc dù tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng vào chăn nuôi heo nhưng không đăng ký để được hưởng chính sách hỗ trợ”, một người dân mới chuyển sang chăn nuôi heo năm 2018 ở xã Ninh Tây chia sẻ.
Được biết, đây là thời điểm các cơ quan tham mưu đang tập trung rà soát những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, trong đó bao gồm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn nói trên để có những đề xuất UBND tỉnh tiếp tục sửa đổi cho phù hợp hơn với tình hình thực tế sản xuất, chăn nuôi của người dân. Hy vọng, những chính sách mang tính khích lệ sẽ phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống, để trở thành cú hích đủ mạnh cho sản xuất nông nghiệp phát triển.
Hồng Đăng