Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Chủ nhật - 07/06/2020 16:05
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp  lần 1 năm 2020. Các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị đối thoại với 180 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) lần 1 năm 2020. Các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị đối thoại với 180 DN trên địa bàn tỉnh.


Hội nghị đối thoại DN diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Vì vậy, đây là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe các DN trình bày khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ đó đề ra các giải pháp, chính sách thích hợp, hỗ trợ DN sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Khác với những lần đối thoại trước, lần đối thoại này, các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền cùng tham dự. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN trong giai đoạn hiện nay.

 

Ông Nguyễn Khắc Định phát biểu tại hội nghị đối thoại.

Ông Nguyễn Khắc Định phát biểu tại hội nghị đối thoại.


Sản xuất ngưng trệ


Theo lãnh đạo VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tại Khánh Hòa, trong đợt đối thoại này, riêng VCCI Khánh Hòa nhận được 20 vướng mắc, đề xuất của các đơn vị sản xuất. Hầu hết tập trung phản ánh các vấn đề như: Đơn hàng bị gián đoạn, hàng xuất, nhập khẩu bị ngưng hàng loạt, nhu cầu trong nước giảm mạnh buộc các đơn vị phải cắt giảm lao động, cho nghỉ việc không lương. DN kiến nghị cho phép chậm đóng các khoản bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, đồng thời xúc tiến các hỗ trợ giúp DN vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, các DN cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh có chương trình kích cầu và kết nối giao thương để DN có thể hỗ trợ lẫn nhau cùng ổn định trong tình hình mới. Bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng đại diện VCCI Khánh Hòa đề nghị: “Lãnh đạo tỉnh đưa ra những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa giúp nền kinh tế phục hồi. Trong đó, lưu ý đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Vừa qua, chỉ số gia nhập thị trường và chỉ số hỗ trợ DN giảm điểm mạnh. Các giải pháp đẩy mạnh kết nối giao thương, xúc tiến thương mại quốc tế cần nhanh chóng được thực hiện. Song song đó, tỉnh sớm có những chính sách đột phá, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc từ các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới”.


Chờ gói hỗ trợ


Theo ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh có 1.664 DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chủ yếu là các DN trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ ăn uống, du lịch (chiếm 33,5%); tiếp theo là các DN trong lĩnh vực kinh doanh thương mại chiếm 21,6%; DN trong lĩnh vực xây dựng chiếm 13,8%; DN trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chiếm 10,7%. Ngoài ra, các lĩnh vực dịch vụ sân bay, quảng cáo, vui chơi, spa, massage, vệ sinh, giặt là, vận tải du lịch, vận tải hảng hóa... chiếm gần 20%.

 

Đại diện doanh nghiệp đối thoại với lãnh đạo tỉnh.

Đại diện doanh nghiệp đối thoại với lãnh đạo tỉnh.


Tại hội nghị, các DN mong muốn tỉnh chỉ đạo các ban, ngành đẩy nhanh thủ tục để gói hỗ trợ của Chính phủ sớm đến với DN. Đặc biệt là những hỗ trợ liên quan đến công tác phục hồi sản xuất, kinh doanh như: Giảm lãi vay ngân hàng đối với dư nợ hiện tại; cho phép hưởng chính sách lãi suất ưu đãi trong thời gian tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất năm 2020… Lãnh đạo Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú cho biết, bên cạnh chính sách cho DN, chính sách hỗ trợ cho người lao động cũng hết sức cần thiết. Đối với các đơn vị du lịch, hiện nay, rất nhiều nhân viên phải nghỉ việc, hoặc cắt giảm ngày làm. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ cần sớm được thực hiện để giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động.


Một số DN cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đưa ra là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai còn khá chậm, hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa thể tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Đồng thời, một số quy định về điều kiện để được hưởng chính sách của Chính phủ cũng khá cứng nhắc và không phù hợp với thực tế. Đại diện các công ty mong muốn lãnh đạo tỉnh xem xét và kiến nghị Chính phủ nới lỏng các điều kiện để sát với tình hình thực tế hơn, nhanh chóng tiếp sức cho DN.


Ông Nguyễn Xuân Thùy - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Quốc tế đề nghị: “Để hỗ trợ DN, đặc biệt là dịch vụ du lịch, đề nghị tỉnh xem xét phát triển kinh tế ban đêm. Ngoài ra, hiện nay, các đơn vị đều gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, do đó công tác thanh tra, kiểm tra cần phải xem xét hạn chế”.


Tạo điều kiện thu hút đầu tư


Tại hội nghị, việc thu hút đầu tư cũng trở thành vấn đề “nóng” đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Do ảnh hưởng từ việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan Trung ương nên từ cuối năm 2018 đến nay, có 35 dự án bị tạm dừng, không triển khai được. Các ngành liên quan còn thực hiện kiểm tra rà soát tất cả các dự án có sử dụng đất, kể cả các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đây, làm rõ những nội dung chưa đúng quy định và tham mưu đề xuất hướng xử lý, khắc phục. Vì vậy, gần 2 năm qua, các kiến nghị của các nhà đầu tư liên quan đến triển khai các dự án đầu tư, UBND tỉnh không thể giải quyết được. Đối thoại lần này là dịp để UBND tỉnh trao đổi thẳng thắn với các nhà đầu tư, nhằm có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn để các dự án tiếp tục triển khai đi vào hoạt động, tạo hiệu quả kinh tế - xã hội cho tỉnh và nhà đầu tư.

 

Doanh nghiệp dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Doanh nghiệp dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19.


Ngoài ra, các DN đã có cơ sở sản xuất kinh doanh, hiện nay muốn mở rộng đầu tư nhưng thủ tục rất nhiêu khê và chưa được sự trợ giúp tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước. Ông Huỳnh Ngọc Diệp - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang phản ánh: “Vấn đề xin đất để đầu tư Làng nghề nước mắm Nha Trang có lẽ đã qua quá nhiều năm và nhiều đời chủ tịch UBND tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thực tế các DN sản xuất nước mắm ở Nha Trang lâu nay đang phát triển rất tốt, hiện nay muốn mở rộng sản xuất nhưng không được bố trí đất. Mấy năm gần đây, các đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng, không dám đầu tư. Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang là đơn vị có mấy chục năm sản xuất tại Nha Trang nhưng bây giờ phải vào Phan Thiết mở nhà xưởng ủ mắm. Mới đây, tôi chỉ xin thuê đất để đóng gói sản phẩm nhưng đi đến đâu cũng bị lắc đầu”. Ông Diệp đề nghị lãnh đạo tỉnh sớm xem xét và xử lý quyết liệt hơn nữa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có mặt bằng mở rộng sản xuất.

 

Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Tôi biết DN còn gặp nhiều khó khăn khi các chính sách triển khai chậm, ngoài ra còn có sự nhũng nhiễu của một số cán bộ. Thời gian tới, các DN, đặc biệt là DN du lịch sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị các sở, ngành nỗ lực hỗ trợ DN; bên cạnh đó, các DN cũng cần sáng tạo để vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời nắm vững pháp luật và thủ tục đầu tư, thẳng thắn nêu rõ khó khăn trong giai đoạn hiện nay để tỉnh tháo gỡ.

Ông Trần Đăng Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Sinh thái Việt cho hay, DN ông hợp tác đầu tư với 147 hộ đồng bào Raglai để sản xuất nông nghiệp, mọi thủ tục đều cơ bản hoàn tất, chỉ vướng một điều là nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên hợp đồng vẫn chưa thực hiện được. “Chúng tôi mong muốn đầu tư để tạo điều kiện cho kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, nhưng chỉ vướng mỗi việc cấp sổ đỏ mà mất quá nhiều thời gian. Nếu chính quyền các cấp không vào cuộc tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN thì thiệt thòi nhất chính là người dân”, ông Khoa cho hay.


Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tường Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH  Đầu tư - Thương mại - Du lịch Ngọc Thiên Long phản ánh về sự chậm trễ trong việc thi công Tỉnh lộ 3. Hiện nay, dọc Tỉnh lộ 3 có khá nhiều dự án du lịch đã đi vào hoạt động, nhưng cơ sở hạ tầng khu vực này xuống cấp khiến tình hình kinh doanh của các DN bị hạn chế. Nhiều hạng mục đầu tư, mở rộng cũng bị đình lại để đợi hạ tầng hoàn thiện. Các DN dọc Tỉnh lộ 3 mong tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này.


Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị các sở, ngành tiếp thu những kiến nghị của DN và phải có hướng giải quyết sớm nhất theo từng nhóm vấn đề. Các bức xúc của DN cần được xử lý nhanh, không để DN chạy hết cửa này đến cửa khác. Việc xử lý công việc phải rõ ràng, công khai, minh bạch, không trả lời chung chung. Tất cả các cơ quan, ban, ngành phải làm việc với tinh thần tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển.


Đình Lâm

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp