Chiều 5-6, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với Tổ tư vấn đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương. Ông giao trách nhiệm cho từng đơn vị để thực hiện công việc hiệu quả nhất.
Giải ngân chậm
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, 5 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân đầu tư công rất chậm; giải ngân nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương mới đạt 16,2% kế hoạch, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cũng chỉ đạt 16% kế hoạch.
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở KH-ĐT giải thích, nguyên nhân khách quan dẫn tới giải ngân chậm là do thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khiến tiến độ thi công công trình bị chậm. Các dự án mới khởi công sử dụng ngân sách Trung ương, nguồn dự phòng chung, dự phòng 10% phải hoàn thiện thủ tục theo Luật Đầu tư công và được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư mới đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định. Bên cạnh đó, các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sử dụng nguồn ngân sách Trung ương đến nay chưa thể giao kế hoạch vốn năm 2020, bởi các địa phương phải thực hiện rà soát lại đối tượng, mục tiêu, nội dung, quy mô đối với danh mục các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
Về nguyên nhân chủ quan, công tác kiểm đếm, phê duyệt đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án còn chậm, kéo dài thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Các bước công bố giá ca máy, thiết bị thi công xây dựng và đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng chậm ban hành. Do vậy, các chủ đầu tư bị chậm trễ trong công tác lập, trình phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế dự toán công trình và triển khai thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Vấn đề giải ngân chậm cũng là thực trạng chung ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Từ Cam Ranh, Ninh Hòa cho đến Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tiến độ giải ngân đầu tư công đều chưa đạt kế hoạch đề ra. Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, cũng như các địa phương khác, Ninh Hòa hiện mới chỉ giải ngân được 50% nguồn của thị xã, nguồn tỉnh cấp thì chỉ đạt 23%. Nguyên nhân là do phải đợi tỉnh ban hành giá đất và một số do vướng các thủ tục, chủ trương…
Vướng giải phóng mặt bằng
Không chỉ chậm giải ngân, công tác giải phóng mặt bằng ở các dự án đầu tư công cũng chậm. Chính điều này khiến nhiều dự án phải gia hạn nhiều lần hoặc chuyển vốn nhưng vẫn không đảm bảo tiến độ. Theo ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh, ban đang triển khai 4 dự án có giải phóng mặt bằng. Các dự án đã được lập kế hoạch giải phóng mặt bằng chi tiết, nhưng khi thực hiện các mốc thời gian hoàn thành đều không đạt. Nguyên nhân do các địa phương chưa quan tâm giải quyết vướng mắc thuộc thẩm quyền. Thời gian cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ quá dài, giá đất chậm được phê duyệt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải phóng mặt bằng.
Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cũng có 2 dự án bị vướng là Bắc Hòn Ông và Tỉnh lộ 3. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, từ đầu năm đến nay hầu như giậm chân tại chỗ. Các dự án Đường băng số 2 sân bay Cam Ranh, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng gặp không ít trở ngại.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh: Yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải tăng tốc thực hiện đầu tư công. Đến tháng 9, nếu dự án nào chưa thực hiện sẽ bị cắt vốn, đặc biệt là các dự án giáo dục, vốn lớn nhưng triển khai chậm. |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng hầu như địa phương nào cũng vướng. Cần phải có phương án để kiện toàn lại trung tâm phát triển quỹ đất ở các địa phương vì nhân sự hiện nay vừa thiếu vừa yếu. Đã vậy, hầu như các dự án đều thiếu khu tái định cư làm sẵn. Vì vậy, khi tiến hành giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều trở ngại”. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các dự án chậm tiến độ đều do vướng mắc ở khâu đền bù giải tỏa. Trong đó có trách nhiệm của các địa phương, chủ đầu tư và sở, ngành. Thực tế hiện nay, nhân sự ở các trung tâm phát triển quỹ đất các huyện, thị xã rất mỏng nên cần lưu ý vấn đề này để trợ giúp chủ đầu tư mới đẩy nhanh tiến độ.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Tuân nhận định, hiện nay, tiến độ nhiều dự án rất chậm; dù có tiền, có mặt bằng, đa số đều giậm chân tại chỗ. Thời gian tới, các chủ tịch huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trực tiếp việc triển khai đầu tư công. Riêng các dự án trên địa bàn TP. Nha Trang, thành phố phải phối hợp với các ban liên quan để giải quyết, không thể đẩy qua đẩy lại. Ví dụ như các tuyến đường: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thái Học, Hà Ra ở trung tâm thành phố nhưng bao nhiêu năm vẫn chưa làm được. Ông giao Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn chỉnh tất cả các hồ sơ đang tồn đọng, giao Sở Xây dựng hướng dẫn về mặt quy hoạch.
Đình Lâm