Đề tài khoa học “Nghiên cứu tính hiệu quả và an toàn của stent tự tiêu (BVS) trong điều trị tổn thương mạch vành” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu với kết quả đạt loại xuất sắc. Thành công của đề tài góp phần tối ưu hóa các phương pháp điều trị tổn thương mạch vành, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
PGS.TS - bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay, bệnh nhân mắc các bệnh lý động mạch vành ngày càng tăng. Những năm qua, trên thế giới phát triển nhiều phương pháp mới đề điều trị như: dùng bóng nong mạch vành, đặt stent không phủ thuốc, stent phủ thuốc... Các phương pháp này đều đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh áp dụng và triển khai thành công nhiều năm. Tuy nhiên, nó vẫn có những hạn chế nhất định. Stent tự tiêu là giải pháp mới, khắc phục được những hạn chế của các phương pháp trên, được nhiều nước tiên tiến thực hiện trong thời gian gần đây. Để hòa nhập với sự tiến bộ của khoa học thế giới và nhằm xác định hiệu quả, tính an toàn của stent tự tiêu trong điều trị tổn thương mạch vành cho bệnh nhân trong và ngoài tỉnh, đề tài đã được triển khai.
Ưu điểm của stent tự tiêu so với các stent khác là nó được làm từ polylactide. Đây là chất liệu tan tự nhiên, được phủ một lớp thuốc để chống tái hẹp. Sau khi được đặt vào trong lòng mạch máu, qua 2 năm sẽ tự phân hủy hoàn toàn và để lại cấu trúc hình dạng tự nhiên của mạch máu, đưa đến khả năng co giãn của động mạch vành vẫn được duy trì. Thêm nữa, do tiêu hủy hoàn toàn nên khi có hiện tượng tái hẹp xảy ra thì việc đặt lại một stent tự tiêu khác sẽ không gặp khó khăn về mặt kỹ thuật.
Những ưu điểm của nó khắc phục các nahược điểm của 2 phương pháp đang được áp dụng nhiều hiện nay là stent không phủ thuốc và stent phủ thuốc. 2 stent này đều được làm bằng kim loại nên sẽ tồn tại mãi mãi trong cơ thể bệnh nhân khi được đặt vào. Chính vì thế, các loại stent này có thể gây biến dạng động mạch vành (động mạch cung cấp máu nuôi tim) nếu giá đỡ được đặt vào vị trí động mạch vành bị xoắn vặn hoặc gập góc; giảm khả năng co giãn động mạch vành và xuất hiện hiện tượng tái hẹp sau một thời gian dài đặt trong cơ thể. Mặt khác, việc dùng nhiều stent kim loại trong động mạch vành cũng cản trở việc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành khi cần thiết.
Đề tài được thực hiện trên 44 bệnh nhân. Những bệnh nhân tham gia đều mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ do hẹp động mạch vành hơn 70%. Tất cả bệnh nhân đều được đặt stent tự tiêu phù hợp với mạch máu tổn thương; đồng thời được điều trị thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu kép kéo dài tối thiểu 36 tháng. Kết quả sau 24 tháng theo dõi, có 43 bệnh nhân đạt kết quả khá tốt, 1 bệnh nhân do tự ý dừng sử dụng kháng ngưng tập tiểu cầu kép nên có xảy ra tình trạng huyết khối gây nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân sau đó đã được điều trị lại kịp thời, hiện nay sức khỏe tốt. Bà Nguyễn Thị M. (59 tuổi, thị xã Ninh Hòa) tham gia đề tài cho biết: “Qua 2 năm đặt stent tự tiêu, sức khỏe của tôi ổn định, hết đau ngực, đi lại và sinh hoạt bình thường. Hiện nay, tôi vẫn sử dụng kháng ngưng tập tiểu cầu theo chỉ định của bác sĩ”. Trước đó, bà M. nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chẩn đoán bị hội chứng mạch vành cấp. Các xét nghiệm và đo điện tâm đồ cho thấy bà M. bị thiếu máu cơ tim, men tim tăng, gây nhiều cơn đau tức ngực kéo dài. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy xơ vữa dẫn đến hẹp 90% động mạch liên thất trước. Được bác sĩ tư vấn, bà M. đồng ý đặt stent tự tiêu vào động mạch vành liên thất trước.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá cao sự cần thiết của đề tài. Kết quả của đề tài cho thấy tính hiệu quả và an toàn của stent tự tiêu trong điều trị các tổn thương mạch vành. Qua đó, giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân tim mạch; đồng thời giúp các bệnh viện và bệnh nhân có thêm nhiều sự lựa chọn phương pháp điều trị.
C.Đan