Ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp nCov đã khiến lượng du khách Trung Quốc tại tỉnh giảm sâu đột ngột. Những hàng quán, con phố vốn tấp nập hiện nay bỗng trở lên vắng hoe, thậm chí phải đóng cửa. Tuy có những hệ lụy, song bức tranh du lịch không hẳn là quá ảm đạm như nhiều người lo ngại. Ngành Du lịch cũng đang thích nghi với… dịch bệnh.
Hàng quán vắng hoe
19 giờ, trên chiếc xe 4 chỗ của một người bạn chạy taxi, chúng tôi đi qua đường Nguyễn Thiện Thuật, nơi vốn nhộn nhịp do du khách Trung Quốc. Điều dễ dàng nhận thấy, đó là không còn cảnh người, xe khách chen lấn như trước Tết Canh Tý 2020. “Trước Tết, đi đến đường này làm gì có chuyện thông thoáng như bây giờ. Đôi khi còn bị kẹt cứng vì những xe chở du khách lớn nhỏ”, người tài xế cho biết. Xe chạy chầm chậm, vượt qua những nhà hàng, quán ăn trên tuyến phố có những biển hiệu bằng cả tiếng Việt và chữ Trung Quốc, đang vắng như “chùa Bà Đanh”.
Đến một quán hải sản đang mở cửa, đèn sáng choang nhưng chỉ có một nhân viên ngồi trước quán ngóng khách. Xe chúng tôi vừa dừng trước quán lẩu cá, một nhân viên vội vàng chạy tới, cười nói: “Mời các anh vào quán. Hôm nay quán đang giảm giá tối đa cho khách đấy”. Cạnh quán này còn có một quán lẩu cá khác đang trong tình cảnh vắng khách tương tự. “Mấy hàng quán này trước đây đông khách lắm. Chủ yếu là khách đến từ Trung Quốc, nhưng kể từ khi có dịch nCoV, quán gần như không có khách nào đặt chân tới”, một người chạy xe thồ cho chúng tôi biết.
Cảnh đìu hiu còn hiện rõ hơn trên con phố Trần Quang Khải nối dài. Các quán nước, nhà hàng lẩu hải sản, cơm… san sát, khách vào ra đông đúc trước đây thì hiện nay dường như chỉ có chủ quán và nhân viên. Một phụ nữ chủ quán nước tên Tâm, nói như than: “Trước đây, quán của tôi bán đến đêm, còn bây giờ gần như không còn khách nào. Cứ tình trạng này chắc tôi phải trả lại mặt bằng”. Nói đoạn, bà Tâm đi vào phía trong tắt điện bảng quảng cáo, rồi cùng nhân viên xếp lại bàn ghế, dọn quán nghỉ.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục chạy đến các con phố khác như: Trần Phú, Phạm Văn Đồng và Dương Hiến Quyền. Cảnh xe khách đưa du khách tấp nập trên đường như cách đây chưa đến 10 ngày hiện nay đã không còn. Có hàng quán đã đóng cửa, giăng biển cho thuê mặt bằng. Lúc này đồng hồ mới chỉ 20 giờ!
Hàng loạt lao động mất việc
Cho đến lúc này, việc kinh doanh dịch vụ lưu trú đang khá ảm đạm. Có lẽ vì thế mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cho thuê xe du lịch cũng gặp nhiều khó khăn. Các nhà xe như: Quang Hạnh, Lạc Thăng Long, Hà Trang… có số lượng xe nằm bãi rất lớn khi vắng bóng khách Trung Quốc. Ông Q. - chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ cho thuê xe cho biết: “Khách hàng của công ty chủ yếu là các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đón khách Trung Quốc. Nên khi khách Trung Quốc không đến, chúng tôi cũng khốn đốn theo”.
Chị Hoàng Thị T. - nhân viên công ty du lịch trên địa bàn xã Phước Đồng cho biết, trước khi có dịch nCoV, mỗi ngày công ty đón 3 - 4 nghìn khách Trung Quốc, phải làm việc hết công suất. Từ mùng 6 Tết đến nay, công ty cho nghỉ thay vì tính lương gấp 3 lần làm trong dịp Tết. “Bây giờ, mỗi ngày chỉ có khoảng 300 khách nên công ty vừa có thông báo cho nghỉ không lương hàng loạt. Trước đây, thu nhập của tôi hàng tháng là 5 - 8 triệu đồng, bây giờ nghỉ việc chưa biết sắp tới sẽ ra sao. Bây giờ tình hình vậy, mình cũng phải chia sẻ với công ty, chờ có chuyển biến trong thời gian tới chứ biết làm sao”, chị T. tâm sự.
Cùng chung hoàn cảnh này, nhiều lao động đang làm việc tại công ty du lịch có tiếng khác là HT. đang bất an khi bất ngờ mất việc. Anh T. - nhân viên bếp của công ty cho biết, hiện công ty đã thông báo cho nghỉ không lương do khách sụt giảm nghiêm trọng, chỉ giữ lại vài chục nhân viên nhưng cắt giảm 50% lương. “Biết là do dịch bệnh nhưng bất ngờ thế này, tôi không kịp trở tay. Không biết thời gian tới tôi có tìm được việc hay không vì thấy nhiều người thất nghiệp quá”, anh T. lo lắng.
Thích nghi với hoàn cảnh mới
Tuy nhiên, dạo qua các khu phố Tây như: Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Trần Quang Khải, Biệt Thự… lượng khách du lịch Nga vẫn rất đông. Các tiệm buôn bán trái cây vẫn rất đông du khách Nga đến mua hàng. Chị Hạnh - chủ sạp trái cây ở góc đường Nguyễn Thiện Thuật - Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, tuy còn khách Nga, nhưng việc khách Trung Quốc giảm cũng khiến lượng khách của chị giảm khoảng 30%. Còn những người bán hàng rong, ăn vặt thì mất một lượng khách đáng kể nhưng cũng không lấy thế làm quá lo ngại. Chị Cúc (quê huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bán hàng rong ở góc đường Trần Phú - Trần Quang Khải cho biết, từ hôm Tết đến nay, khi lượng khách Trung Quốc giảm, việc buôn bán của chị khó khăn hơn trước. Thay vì chỉ đứng một góc đường chờ đợi khách đến mua hàng, hiện nay chị phải di chuyển nhiều nơi để tìm khách, lượng hàng bán cũng giảm khá nhiều. Dẫu vậy, chị Cúc lại không quá nặng nề: “Trước kia, khi có chưa có khách Trung Quốc mình cũng buôn bán bình thường. Bán buôn có lời nhiều thì tiêu nhiều, khó khăn thì hạn chế chi tiêu. Nhưng buôn bán dễ thì vật giá mọi thứ cũng đắt hơn, suy cho cùng cũng không hơn là mấy”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, dịch bệnh nCoV đã khiến du lịch Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng gặp nhiều khó khăn. Lượng khách Trung Quốc giảm đột ngột khiến việc kinh doanh lưu trú, lữ hành gặp khó… Trong hoàn cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa cần phải đoàn kết, giúp nhau vượt qua khó khăn. “Điều quan trọng, du lịch Khánh Hòa phải giữ được môi trường du lịch an toàn, để giữ các thị trường khách đang có. Theo tìm hiểu của tôi, lượng khách Nga, Hàn Quốc đến Khánh Hòa vẫn đang khá ổn định. Hy vọng, dịch bệnh nCoV sẽ sớm được khống chế, khi ấy ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá để thu hút thêm khách nội địa, khách quốc tế đến Khánh Hòa”, ông Thành cho biết.
Thành Long - Xuân Thành