San ủi trái phép đất đồi ở Diên Đồng

Thứ hai - 15/07/2019 13:02
Một cá nhân nhận chuyển nhượng đất đồi trồng cây lâu năm của các hộ dân thuộc thôn 2, thôn 3 (xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh) và tiến hành san ủi trái phép với diện tích lớn. Hành vi này đã bị các cấp chính quyền yêu cầu tạm dừng nhưng chưa có biện pháp xử lý do còn lúng túng. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
San ủi trái phép đất đồi ở Diên Đồng

Một cá nhân nhận chuyển nhượng đất đồi trồng cây lâu năm của các hộ dân thuộc thôn 2, thôn 3 (xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) và tiến hành san ủi trái phép với diện tích lớn. Hành vi này đã bị các cấp chính quyền yêu cầu tạm dừng nhưng chưa có biện pháp xử lý do còn lúng túng.

 
Sau cơn “sốt” đất từ đầu năm 2019, phần lớn diện tích đất của 2 quả đồi nằm giáp ranh giữa thôn 2 và thôn 3 (xã Diên Đồng) đều thuộc về ông Hoàng Đức Trọng (TP. Nha Trang). Theo người dân sinh sống gần khu vực đất của ông Trọng, khoảng mấy tháng nay, ông này đã thuê phương tiện cơ giới về san ủi đất. Khi chúng tôi có mặt tại khu vực này, có một chiếc máy xúc lớn đang miệt mài đào múc. Phần lớn sườn đồi sau khi bị san ủi giật cấp theo dạng ruộng bậc thang đã được đổ đá hộc để xây mái taluy. Xung quanh khu vực này đã được rào chắn, bên trong hình thành các tuyến đường nội bộ và trang trí bằng nhiều cây cảnh. Điều đáng nói, việc múc đất, xây kè đã tạo thành hố sâu nằm sát những ngôi nhà của người dân thôn 3, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa rất cao.

 

Ông Võ Thành Nhân - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh: Nếu người dân san gạt để trồng cây theo đúng mục đích sử dụng đất thì không vi phạm; nếu san gạt để làm du lịch, xây dựng nhà là vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý. Việc người dân không báo cho cơ quan quản lý nhà nước biết là có lỗi và huyện sẽ làm việc với xã Diên Đồng về trường hợp này. Huyện đã yêu cầu UBND xã Diên Đồng tạm dừng hoạt động của cá nhân này, mời chủ đất lên làm việc và báo cáo cho huyện.

Khu vực sườn đồi được chủ đất san ủi giật cấp để xây mái taluy.


Một người dân cho biết, ông Trọng nhận chuyển nhượng đất từ nhiều hộ dân với diện tích hơn 5ha. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho biết, xã chỉ mới chứng thực hợp đồng mua bán đất giữa ông Hoàng Đức Trọng và ông Huỳnh Dọng (thôn 3) với diện tích 12.000m2, các diện tích còn lại có thể người dân đã làm thủ tục chuyển nhượng, mua bán tại đơn vị công chứng khác. Tại khu đất, một người đàn ông tự xưng là chủ lô đất cho biết, ông san ủi đất để trồng cây và đã có đầy đủ giấy phép của cơ quan chức năng. Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên và người dân sống ở đây, việc san ủi, làm đường nội bộ, xây taluy và trồng cây cảnh có dấu hiệu làm du lịch, nghỉ dưỡng chứ không đơn thuần trồng cây như chủ đất nói.

 

Ông Võ Thành Nhân - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh: Nếu người dân san gạt để trồng cây theo đúng mục đích sử dụng đất thì không vi phạm; nếu san gạt để làm du lịch, xây dựng nhà là vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý. Việc người dân không báo cho cơ quan quản lý nhà nước biết là có lỗi và huyện sẽ làm việc với xã Diên Đồng về trường hợp này. Huyện đã yêu cầu UBND xã Diên Đồng tạm dừng hoạt động của cá nhân này, mời chủ đất lên làm việc và báo cáo cho huyện.

Ông Hoàng Kỳ Vũ - Chủ tịch UBND xã Diên Đồng cho biết, do diện tích đất cao không canh tác được nên ông Trọng đã san ủi, cải tạo để trồng cây lâu năm. Xã đã tiến hành kiểm tra nhưng không phát hiện hành vi chở đất ra ngoài mà chỉ là san gạt để cải tạo đất. Khi được hỏi ông Trọng có xin phép chính quyền địa phương khi tiến hành san ủi, cải tạo đất không thì ông Vũ cho biết, theo quy định, khi cải tạo đất từ đất nông nghiệp sang ao hồ, thay đổi mục đích sử dụng đất, người dân phải xin phép với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hành vi của ông Trọng là san gạt để tạo bằng phẳng, dễ sản xuất hơn nên chúng tôi đang xem xét có phải xin phép hay không xin phép. Theo lãnh đạo UBND xã Diên Đồng, do không xác định được hành vi này được phép hay trái phép nên xã lúng túng trong việc đưa ra hướng xử lý.  


Tại Khoản 25, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Ngoài ra, điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất liên quan đến hành vi nêu trên. Được biết, ở một số địa phương trong tỉnh cũng đã từng phát hiện các hành vi san ủi đất đồi núi trái phép và đã ra quyết định thu hồi đất. Theo đó, các địa phương này đã căn cứ vào một số quy định như: Luật Đất đai năm 2013; Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định số 01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai; Thông tư số 24/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; công văn hướng dẫn số 942/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thu hồi đất đối với trường hợp hủy hoại đất… để xử lý hành vi san ủi đất đồi trái phép nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai của địa phương.  

 
MAI HOÀNG   
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp