Theo đó, vùng mưa lớn gây ra lũ quét và sạt lở đất này lại chỉ cách trạm radar thời tiết Nha Trang khoảng 3km, trong khu vực vùng mù/vùng nhiễu của radar nên đã không thể quan trắc.
Lý do được Tổng cục Khí tượng thủy văn nêu ra là "do đô thị hóa và phát triển hạ tầng quá nhanh, trạm radar thời tiết Nha Trang đang bị vây kín bởi nhiều công trình tòa nhà, khách sạn, các tháp truyền hình, viễn thông...".
Năm 2000, trạm radar thời tiết Nha Trang thuộc chủng loại Doppler EEC - DWSR-2500C lắp đặt tại số 22 trên đường Pasteur (TP Nha Trang) có vai trò quan trắc, theo dõi, cảnh báo và giám sát toàn bộ diễn biến thời tiết khu vực Nam Trung bộ trong phạm vi bán kính 200-480km.
Ông Trần Văn Hưng, Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ, cho biết thêm trạm radar thời tiết Nha Trang ở trên đường Pasteur cao 57m so với mực nước biển. Hàng loạt công trình cao tầng vây quanh nên khi hoạt động góc quét của radar bị che khuất.
Nói về nguyên lý hoạt động, khi radar phát ra mức sóng chính kèm theo đó là các tia sóng phụ trong phạm vi 10km trở xuống. Do vậy khi radar hoạt động thì các tia sóng phụ gặp các cản trở địa hình, cũng như mặt đất thì phản hồi lại tín hiệu gây nhiễu khi thu sóng về. "Với các radar thế hệ cũ như trạm radar thời tiết Nha Trang thì việc xử lý các tín hiệu nhiễu này chưa có. Do vậy các tín hiệu trong bán kính 10km không đáng tin cậy”, ông Hưng thông tin thêm.