Quản lý, sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện

Thứ tư - 30/10/2019 15:44
Tần số vô tuyến điện là nguồn tài nguyên quý hiếm và hữu hạn của quốc gia, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này là nhiệm vụ quan trọng. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Quản lý, sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện

Tần số vô tuyến điện là nguồn tài nguyên quý hiếm và hữu hạn của quốc gia, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này là nhiệm vụ quan trọng.


Nhu cầu cao


Tại Khánh Hòa, từ năm 2005, khi Sở Bưu chính và Viễn thông (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) được thành lập đã phối hợp tích cực với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII (thuộc Cục Tần số vô tuyến điện) thực thi công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh. Do đó, công tác quản lý ngày càng hoàn thiện, hiệu quả, ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đã có nhiều chuyển biến tốt hơn. “Tần số vô tuyến điện là một phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh của công ty chúng tôi. Trong quá trình khai thác, sử dụng, các cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện đúng quy định”, ông Hồ Minh Châu - Tổng Giám đốc taxi ASIA cho biết.

 

Cán bộ Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII  tiến hành đo, kiểm tần số.

Cán bộ Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII tiến hành đo, kiểm tần số.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, với tổng số gần 1.800 giấy phép. Trong đó, có 140 đơn vị sử dụng thiết bị truyền thanh không dây ở xã, phường; hơn 500 chủ tàu cá sử dụng máy bộ đàm đặt trên tàu; còn lại tập trung vào các lĩnh vực như: viễn thông (thông tin di động, truyền dẫn vi ba, bộ đàm taxi, hàng không, hàng hải…); phát thanh truyền hình (phát thanh, truyền hình mặt đất); định vị dẫn dường (dẫn đường hàng không, hàng hải, ra đa thời tiết)… Ngoài ra, còn có 1.848 trạm BTS của các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin di động; hàng nghìn thiết bị đặt trên tàu cá được sử dụng có điều kiện. “Để tăng cường công tác quản lý tần số vô tuyến điện trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII xây dựng nội dung và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời nhiều văn bản quy định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện ở địa phương. Sở cũng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện đúng quy định pháp luật”, ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.


Triển khai đề án số hóa truyền hình


Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian qua chính là việc triển khai đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Để triển khai thực hiện, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị và người dân hiểu về mục tiêu, lợi ích và kế hoạch chi tiết triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về tần số vô tuyến điện và số hóa truyền hình cho hơn 110 học viên là đại diện UBND cấp xã, phòng văn hóa và thông tin; cấp phát 149 đĩa tuyên truyền về số hóa truyền hình cho đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện, cấp xã thực hiện tuyên truyền; phối hợp với UBND các huyện, thị xã và thành phố hoàn thành việc sao, gửi tài liệu tuyên truyền về số hóa truyền hình năm 2016 đến 282.986 hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh.


Theo ông Phạm Duy Lộc, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện chặt chẽ và hiệu quả hơn. Cụ thể, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tần số vô tuyến điện; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước về quản lý tần số vô tuyến điện; quản lý chặt việc chứng nhận hợp quy, thẩm định tính phù hợp với quy hoạch ngành, các quy định về chất lượng thiết bị, thủ tục xin cấp phép sử dụng và thực hiện đúng quy định ghi trong giấy phép; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo đài truyền thanh truyền hình địa phương, các đài truyền thanh không dây của xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật.


Giang Đình
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp