Theo ngành chức năng và các địa phương, hiện nay, công tác quản lý nguồn nước dưới đất (nước ngầm) có nhiều chuyển biến so với những năm trước.
Đi vào ổn định
Hiện nay, tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), nghề khoan giếng khá thịnh hành. Gặp một tốp thợ đang đào giếng tại thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm), chúng tôi được biết, nếu người dân có nhu cầu đào giếng thì họ nhận làm nhưng chủ nhà phải làm các thủ tục xin phép chính quyền hoặc cơ quan chức năng.
Ông Trần Văn Sỹ - cán bộ Địa chính - Môi trường xã Cam Thành Bắc cho biết, địa phương là vùng khó khăn về nước nên người dân có nhu cầu đào giếng để lấy nước sản xuất khá nhiều. Thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn nước ngầm. Người nào có nhu cầu khai thác nước ngầm phải báo với UBND xã và thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Theo ông Huỳnh Quốc Dũng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Cam Lâm, hiện nay người dân phần lớn sử dụng nước máy và giếng đào sâu 5 - 10m, chủ yếu lấy tầng nước mặt. Từ đầu năm đến nay, huyện chỉ cho phép 2 trường hợp khai thác nước ngầm theo công nghệ khoan giếng với nhu cầu sử dụng ít hơn 10m3/ngày đêm. Trường hợp nhu cầu sử dụng lớn hơn 10m3/ngày đêm thì người dân phải liên hệ Sở TN-MT lập thủ tục cấp phép theo quy định.
Tại huyện Khánh Vĩnh, tình hình khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm cũng được quản lý chặt. Ông Trần Minh - Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cho hay, 2 năm qua, trên địa bàn không có trường hợp khoan giếng. Một phần do nhiều trường hợp đào giếng trước đó không gặp mạch nước. Mặt khác, nguồn nước cấp từ thị trấn Khánh Vĩnh, nguồn tự chảy và một số giếng chống hạn của xã cũng khá dồi dào. Một số ít trường hợp khoan giếng để tưới vườn, sử dụng nước sinh hoạt có quy mô nhỏ lẻ, không thuộc diện quản lý.
TP. Nha Trang cũng là địa phương có nhiều chuyển biến trong công tác quản lý nguồn nước ngầm. Ông Nguyễn Chí Danh - Trưởng phòng TN-MT Nha Trang cho biết, năm 2019 chỉ có 1 trường hợp, năm 2020 không có trường hợp nào xin phép khai thác nguồn nước ngầm. Từ năm 2016, thành phố đã ban hành văn bản tăng cường quản lý, khai thác nguồn nước ngầm, yêu cầu tổ chức, cá nhân phải đăng ký khai thác nước dưới đất lưu lượng dưới 10m3/ngày đêm. UBND cấp xã, phường tiếp nhận và nộp tờ khai cho UBND thành phố; định kỳ báo cáo tình hình quản lý hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn; quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước…
Sẽ sớm có quy hoạch tài nguyên nước
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, việc quản lý tài nguyên nước được thực hiện theo Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 82 ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã cấp phép cho 82 tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm. Tổng số hồ sơ cấp quyền khai thác từ năm 2017 - 2019 là 100 trường hợp, trong đó năm 2019 là 32 trường hợp, tổng kinh phí thu cấp quyền hơn 6 tỷ đồng (năm 2019).
Hiện nay, Sở TN-MT đang triển khai thực hiện Nghị định 167 ngày 26-12-2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nguồn nước ngầm. Đây là cơ sở để quản lý và tạo nguồn dữ liệu về nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh. Ông Hoàng Anh Hào - Trưởng phòng Khoáng sản, Nước - Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN-MT cho biết, qua kiểm tra, các tổ chức, cá nhân khai thác nguồn nước ngầm chấp hành tốt, có thiết bị đo đạc, quan trắc chất lượng nước định kỳ; thực hiện nghĩa vụ tài chính bao gồm thuế tài nguyên và tiền cấp quyền. Điều này đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ quản lý, điều tra tài nguyên nước theo quy định của luật. Các địa phương cũng xác định rõ vai trò quan trọng của nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước ngầm; đồng thời vận động nhân dân không gây ô nhiễm nguồn nước, ưu tiên cho hoạt động khai thác, sử dụng nước phục vụ sinh hoạt.
Được biết, thời gian tới, cơ quan chuyên ngành Trung ương sẽ tổ chức lập quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ đưa quy hoạch này vào quy hoạch chung của tỉnh về phương án sử dụng tài nguyên.
V.L