Dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang bước vào những tháng cao điểm và diễn biến phức tạp. Từ tháng 1 đến tháng 4-2018, dịch có xu hướng giảm với số người mắc SXH mới dao động từ 13 đến 50 ca/tuần; từ tháng 5 đến 6 dịch bắt đầu tăng; đến tháng 7 và 8, số mắc SXH tăng nhanh, từ 50 lên đến 82 ca/tuần. Theo số liệu giám sát đến hết tháng 8, toàn tỉnh Khánh Hòa có 1.710 trường hợp mắc SXH, trong đó có một ca tử vong. Dự báo từ tháng 8 đến tháng 10, số người mắc SXH sẽ tiếp tục tăng cao, đạt đỉnh khoảng từ 500 đến 600 ca/tháng. Các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch SXH gồm: TP Nha Trang, các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh...
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Khánh Hòa, bác sĩ Huỳnh Văn Dõng cho biết: Công tác phòng, chống dịch đã được các huyện, thị xã, thành phố triển khai thường xuyên, liên tục ngay từ đầu năm, thông qua các hoạt động diệt loăng quăng, phun hóa chất chủ động, xử lý ổ dịch, tuyên truyền đến người dân về cách thức phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, theo đánh giá thực tế cho thấy, hiệu quả công tác phòng, chống dịch SXH chưa hiệu quả. Nguyên nhân khách quan do thời tiết diễn biến phức tạp, tạo điều kiện tốt cho dịch bệnh phát sinh. Kết quả các đợt giám sát véc-tơ SXH tại khu vực Nam Trung Bộ cho thấy các chỉ số loăng quăng và muỗi đều tăng cao trong những tháng mưa.
Muốn phòng, chống SXH có hiệu quả, trước hết cần nâng cao chất lượng giám sát muỗi truyền bệnh ở cộng đồng, nhưng công tác kiểm soát véc-tơ truyền bệnh SXH ở các tuyến còn nhiều hạn chế. Hiện nay, kỹ năng giám sát, điều tra, định loại véc-tơ SXH của cán bộ làm công tác côn trùng ở nhiều đội y tế dự phòng chưa đạt yêu cầu, gây khó khăn trong nhận định cũng như đưa ra giải pháp xử lý dịch kịp thời, chính xác. Thực tế ở Khánh Hòa, nhiều trường hợp, báo cáo kết quả giám sát côn trùng hằng tháng tại xã điểm của đội y tế dự phòng cấp huyện cho thấy chỉ số muỗi bằng 0, nhưng khi Trung tâm Y tế dự phòng cấp tỉnh điều tra thì kết quả chỉ số muỗi rất cao, có khi vượt gấp hai lần so với ngưỡng quy định.
Theo Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa Bùi Xuân Minh, một trong những khó khăn lớn nhất là Khánh Hòa có sự hiện diện của tất cả bốn tuýp vi-rút SXH. Mặt khác, chính quyền cấp xã, phường chưa chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; không nắm sát địa bàn dịch, chưa kịp thời, quyết liệt vào cuộc để chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá, huy động các lực lượng tại địa phương và người dân tham gia thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng tại hộ gia đình và vệ sinh môi trường nơi công cộng. Công việc diệt loăng quăng, bọ gậy tại các địa phương vẫn nặng về hình thức, không triệt để. Người dân không tự giác thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình; chưa xem đây là biện pháp mang lại hiệu quả và lâu dài trong phòng, chống dịch SXH. Thậm chí một số nơi người dân thiếu hợp tác, đóng cửa nhà trong thời gian xe cơ quan y tế thực hiện phun hóa chất diệt muỗi...
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch SXH, ngành y tế Khánh Hòa đang đổi mới việc thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy, trong đó phối hợp Đoàn thanh niên các cấp thực hiện các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy phòng, chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai phun hóa chất diệt muỗi, phòng, chống SXH và Zika đợt hai ngay trong tháng 9. Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn về kinh phí phòng, chống dịch tại các địa phương trên địa bàn theo hướng sử dụng nguồn dự phòng của địa phương. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, để nâng cao sự hiểu biết của người dân về cách tự bảo vệ sức khỏe và có hành động đúng… Khi đó mới có thể ngăn chặn thành công dịch SXH.