Theo đó, ảnh hưởng cơn bão số 9, nhiều tuyến đường ở TP Nha Trang - Khánh Hòa đã bị ngập cục bộ. Đại lộ Nguyễn Tất Thành nối TP Nha Trang với sân bay quốc tế Cam Ranh bị tê liệt hoàn toàn do hàng nghìn tấn đất, đá đổ xuống từ đèo Cù Hin. Không chỉ sạt lở, tuyến đường này còn bị ngập nặng ở xã Phước Đồng.
Tại huyện miền núi Khánh Sơn, tuyến đường tỉnh lộ duy nhất nối với đồng bằng cũng bị sạt lở nghiêm trọng, khiến giao thông tê liệt. Trên tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt có hơn 10 điểm sạt lở với khối lượng đất đá lên đến hành chục nghìn mét khối. Các đơn vị chức năng đã phải huy động người và phương tiện dọn đất đá bị sạt lở để thông xe toàn tuyến.
Tại thành phố Cam Ranh, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 9, mưa lớn trên diện rộngđạt gần 300 mm (theo thông báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khánh Hòa) đã gây ra lũ quét làm sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại nhiều nơi và làm ngã, gãy đổ 8 cột trung áp, làm đứt dây và cuốn trôi các thiết bị trên trụ điện, nhiều khu vực có đường dây sau công tơ của khách hàng bị ngã cột, đứt dây.
Trước tình hình đó, Điện lực Trung tâm Nha Trang, Điện lực Vĩnh Nguyên và Điện lực Cam Ranh – Khánh Sơn đã nhanh chóng cắt điện cô lập để đảm bảo an toàn. Đối với các tuyến có cây ngã đè vào lưới hạ áp, các điện lực cũng đã nhanh chóng cô lập lưới, phân đoạn các vùng bị ngập lụt do mất an toàn điện, đồng thời tiến hành chặt cây, di dời cây ra khỏi lưới điện.
Đến 12 giờ trưa ngày 26.11, PC Khánh Hòa đã khôi phục hoàn toàn nguồn cung cấp điện trên toàn tỉnh: Khu vực thành phố Nha Trang gồm có trạm biến áp 454, 455 thuộc nhánh rẽ tuyến 477-E27/27-1(Mã Vòng – đường 23 tháng 10), nhánh rẽ xuất tuyến 475-E27/94-2 (Vĩnh Thạnh), nhánh rẽ tuyến 476-E27/114-1A, 476-E27/114-1B (Bình Cang – Vĩnh Trung); khu vực Bình Tân –phường Vĩnh Nguyên: Nhánh rẽ 473-EBT/67 ; khu vực huyện Cam Lâm : Trạm biến áp H075 thuộc tuyến 471-EBĐ, trạm biến áp G066, G168B; khu vực thành phố Cam Ranh và huyện Khánh Sơn: Phân đoạn tuyễn 474-ENCR/154-7, nhánh rẽ tuyến 474-ENCR/158, 108-67, 108-16(trạm bơm), các trạm biến áp T06, T16A lộ A, T16B, T16D, T17, T120A, T120C, T123B thuộc tuyến 474-ENCR, phân đoạn tuyến 473-F9/101 và các trạm biến áp T09, T09B, T09D, T31A, T31B, T33B thuộc tuyến 473-F9.
Trước đó, PC Khánh Hòa đã thành lập các tiểu ban PCTT&TKCN (phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn), triển khai các phương án PCTT&TKCN để đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra: các đội xung kích sẵn sàng ứng phó khi có lệnh điều động của đơn vị; kiểm tra rà soát vật tư dự phòng, phương tiện sẵn sàng; nâng cao trạm biến áp tại những khu vực có nguy cơ ngập lụt gây mất an toàn; phối hợp với các địa phương và các đơn vị chức năng liên quan triển khai giải quyết cây cối ngoài hành lang tuyến có khả năng ngã đổ vào đường dây trung hạ áp,…
Nhờ rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12 năm 2017 và thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã được triển khai từ đầu năm 2018 (diến tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, diễn tập xử lý sự cố,…) nên việc khắc phục sự cố lưới điện do mưa bão gây ra đã được các đơn vị điện lực tại PC Khánh Hòa thực hiện nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo cung cấp điện an toàn, giảm thiểu thời gian mất điện, tạo được niềm tin và uy tín đối với khách hàng sử dụng điện tại địa phương.