Từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của Trung ương, 13 cây cầu dân sinh làm bằng gỗ tạm đã xuống cấp được thay bằng bê tông, cốt thép kiên cố. Hàng ngày, những cây cầu mới vươn mình cho hàng trăm lượt người qua lại, với bấy nhiêu niềm vui về một tương lai tươi sáng hơn. Người dân ở các địa phương khó khăn hiện nay không còn cảnh“lắt lẻo gập ghềnh khó đi”...
Cây cầu mong đợi
Chúng tôi có mặt tại cầu treo Sông Máu (thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh) vào một ngày cuối tuần. Cây cầu treo dài 90m, rộng 2m được xây dựng bằng sắt với cáp treo chắc chắn. Ở 2 đầu cầu, một đoạn đường ngắn được đổ bê tông thuận tiện cho người dân đi lại. Trong cái nắng gay gắt của buổi trưa nhưng có hàng chục lượt xe máy, người đi bộ gùi, chở hàng qua lại trên cầu. Gùi các buồng chuối từ rẫy về nhà, ông Pi Năng Thân (thôn Tà Gộc) hớn hở khoe: “Trước kia khi chưa có cầu, tôi muốn qua rẫy phải lội suối. Mùa này nước chảy xiết, đi rất nguy hiểm. Nếu không có cầu chắc tôi không về mà sẽ ở lại rẫy. Giờ có cầu thì vui lắm, muốn đi, về lúc nào cũng được. Gia đình tôi thường sáng lên rẫy, chiều tối về, không ở lại như trước”.
Theo người dân địa phương, khi chưa có cầu, hơn 200 hộ ở thôn Tà Gộc muốn qua lại canh tác trên đất rẫy phía bên kia đồi phải lội qua con suối rộng gần 100m. Vào mùa cạn, suối ít nước người dân còn đi lại, vận chuyển nông sản bằng xe bò. Nhưng đến mùa mưa, nước suối đổ về nhiều, chảy xiết, dâng ngập 2 bên bờ dẫn đến khu vực này bị chia cắt hoàn toàn. Mùa này, muốn qua rẫy hoặc chở nông sản đi bán, người dân phải đi ngược đoạn đường qua xã Khánh Thành, Giang Ly dài hơn 10km. Cách đây 5 năm, đã xảy ra 2 trường hợp bị nước cuốn trôi, chết thương tâm khi đi qua suối vào mùa mưa.
Ông Nông Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: “Sau hơn chục năm kiến nghị, năm 2017, cầu treo Sông Máu được khởi công xây dựng và hoàn thành vào giữa năm 2018 với vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng. Người dân thôn Tà Gộc vui một, chính quyền địa phương mừng gấp mười lần. Bởi, cầu hoàn thành giúp người dân trong thôn, xã thuận tiện trong đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhất là bảo đảm an toàn giao thông nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Cuối tháng 8-2017, nhiều người dân ở xóm Đình, Hải Triều, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh đã có mặt tại khu vực cầu Hải Triều để dự lễ động thổ xây cầu mới. Mọi người đều phấn khởi khi cây cầu ván gỗ chông chênh bắc qua sông Tô Giang sẽ được thay bằng cầu bê tông kiên cố với chiều dài hơn 53m, rộng 3,5m, trọng tải 10 tấn. Theo người dân ở thôn Hải Triều, hơn 30 năm trước, để thuận tiện cho việc đi lại từ xóm Đình sang xóm Sở và xóm Củ Chi, người dân trong thôn cùng chính quyền phối hợp đào đất, đắp trụ hai bên, vào núi chặt cây làm mặt cầu bắc qua sông. Do là cầu tạm, hàng năm đến mùa mưa, nước sông tràn về mặt cầu lại bị cuốn trôi hoặc hư hại nặng, hơn 600 hộ dân ở các xóm trên bị chia cắt, việc đi lại, liên lạc rất khó khăn.
Đang phụ thợ quét sơn cho căn nhà mới xây, ông Nguyễn Phướng (xóm Đình, Hải Triều) phấn khởi nói: “Sau khi cầu xây xong, tôi mới dám xây nhà. Vì trước kia cầu bằng gỗ, các xe cơ giới không chạy qua được, nên để chở nguyên vật liệu qua cầu, tiền chở tăng gấp đôi. Sống hơn nửa đời người, nhìn thấy cây cầu huyết mạch của thôn được xây mới, chắc chắn, tôi rất mừng khi con cháu đi học, người dân trao đổi, buôn bán nông sản được thuận tiện, không phải lo sợ khi lũ về như trước”.
Đây là 2 trong 13 cây cầu dân sinh thuộc dự án “Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương” của đề án “Xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020” (gọi tắt Dự án LRAMP) của Chính phủ, được hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp người dân trên địa bàn tỉnh thuận tiện trong việc đi lại, đảm bảo an toàn giao thông nông thôn.
Sẽ xây mới thêm nhiều cầu
Theo quyết định phê duyệt dự án, Khánh Hòa được đầu tư 20 cầu dân sinh, với kinh phí phân bổ khoảng 28 tỷ đồng. Giai đoạn đầu (2017 - 2019), tỉnh được đầu tư gần 21 tỷ đồng để xây mới 13 cầu dân sinh thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố: Vạn Ninh 4 cầu, Ninh Hòa 6 cầu, Khánh Vĩnh 2 cầu và Cam Ranh 1 cầu. Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho hay, đặc thù của dự án cầu dân sinh nằm chủ yếu ở các khu vực miền núi, nông thôn. Do đó, quá trình thực hiện, các đơn vị thi công gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện địa lý xa xôi, giao thông cách trở. Tuy nhiên, nhờ công trình nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương và người dân nên công tác giải phóng mặt bằng rất thuận lợi. Đến nay, 13 cầu dân sinh đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, bảo đảm giao thông vùng sâu, vùng xa, nhất là trong mùa mưa lũ. Đồng thời, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối liên vùng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, kích thích sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Được biết cuối năm 2018, sau khi đi khảo sát thực tế, đại diện của WB đánh giá cao hiệu quả của các công trình. Vì vậy, trong thời gian tới, WB tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, xây dựng thêm 4 cầu mới gồm: Suối Chình 1 (thị xã Ninh Hòa); Ông Khoan và Ông Thanh (TP. Cam Ranh); Ha Nít (huyện Khánh Sơn) với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Ông Lê Vũ Bằng - cán bộ quản lý dự án, Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn cho biết: “Các vị trí đề xuất đầu tư xây dựng cầu đều nằm ở những khu vực có địa hình hiểm trở. Để đảm bảo tiến độ, thuận tiện cho thi công, Sở Giao thông vận tải đã thống nhất với các địa phương về phương án giải phóng và bàn giao mặt bằng sạch cho dự án. Hiện nay, 4 hạng mục trên đang trong giai đoạn đấu thầu thiết kế và sẽ sớm được triển khai”.
Cùng với việc đồng ý triển khai giai đoạn 2, trong buổi làm việc mới đây, đại diện WB đề xuất tỉnh tiếp tục rà soát thêm các công trình thiết yếu khác để xem xét đầu tư. Trước đề xuất trên, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các địa phương gấp rút rà soát lại tất cả các vị trí đi lại khó khăn, gửi về sở để sở tổng hợp chuyển cho đại diện WB xem xét đầu tư xây mới cầu, cống ở những khu vực này.
VÂN LY