Vợ chồng Nam, Hồng ly dị nhau. Nam có người mới là Trang. Hồng và Trang thường lời lẽ qua lại với nhau trên mạng xã hội. Đỉnh điểm sự việc là 2 bên gặp và đánh nhau tại một quán bida. Khi 2 bên đang giằng co, Đạo, em Hồng và Tý, bạn Đạo đã dùng hung khí gây thương tích cho Trang. Hầu tòa với kháng cáo bỏ lọt tội phạm, người bị hại Trang cho rằng chị Hồng là người tổ chức cho Đạo và Tý chém mình. Chị còn trình ra nhiều tin nhắn chị Hồng chửi bới, đe dọa trên mạng xã hội facebook và quả quyết chị Hồng có động cơ đánh chị từ trước. Người bị hại còn yêu cầu cho chiếu lại đoạn clip tại hiện trường để chứng minh. Chị này cũng phủ nhận toàn bộ lời buộc tội của chị Hồng cho rằng, chính chị đã xúi giục anh Nam tẩu tán tài sản, chiếm nhà, lấy xe... và kiên quyết đòi Đạo và Tý phải bồi thường tổn thất tinh thần ở mức cao nhất, cho dù tại cơ quan điều tra, chị đã khẳng định không yêu cầu và tại phiên tòa sơ thẩm, chị bỏ về ngay sau phần làm thủ tục, tự tước đi quyền yêu cầu bồi thường của mình.
Anh Nam ra tòa với tư cách nhân chứng, anh là chồng cũ của chị Hồng và hiện có quan hệ tình cảm với bị hại Trang. Do đó, đôi lúc, Nam không tránh khỏi sốt sắng bảo vệ Trang, bức xúc với chị Hồng. Về chuyện chị Hồng cho rằng anh nghe lời Trang bán xe để “tẩu tán tài sản”, anh khẳng định chỉ đem đi gửi chỗ khác, nhưng không chứng minh được. Anh cho biết, do hiểu tâm lý sau ly hôn nên không để ý chuyện chị Hồng bình luận trên facebook cá nhân, cũng không bàn về những tin nhắn chửi mắng qua lại giữa 2 người phụ nữ, cho rằng chỉ là chuyện phụ nữ! Nhưng anh lại bức xúc việc chị Hồng nói Trang “giật chồng”, bởi chị Hồng cũng từng phản bội anh 12 năm trước. Trước khi xảy ra vụ án này, chị Hồng cũng từng đuổi đánh hụt Trang. Anh cho rằng cả Đạo và Tý khai gian dối việc chị Hồng không bảo họ đánh bị hại.
Lời khai của bị cáo Đạo (sinh năm 1988) và Tý (sinh năm 1991) lại khác. Cả hai đều thừa nhận đã gây thương tích cho Trang nhưng khẳng định chị Hồng không hề tổ chức, sai khiến họ. Đạo là em trai chị Hồng nên biết rõ mâu thuẫn của vợ chồng chị có từ lâu, xuất phát từ việc anh Nam quen biết Trang trong một lần đến tiệm massage. Chuyện này Đạo biết do hồi đó làm cùng chỗ với Trang. Đạo từng nhiều lần khuyên anh rể nhưng anh không nghe, còn nói là chuyện gia đình riêng. Hôm xảy ra vụ án, biết tin Đạo và anh rể cũ xích mích, vợ Đạo báo tin cho chị Hồng. Chị Hồng vội gửi con chạy tới. Tý ở cùng vợ chồng Đạo, vô tình nghe được cuộc điện thoại nên lập tức vác mã tấu chạy theo. Còn Đạo gặp anh rể cũ bởi bức xúc hai anh chị đã chia tay mà chị mình vẫn phải chịu những lời lẽ xúc phạm của Trang. Nhưng anh rể cũ vẫn gạt đi, nói là việc riêng, là chuyện mâu thuẫn phụ nữ. Đang nói chuyện thì thấy Trang và chị Hồng đánh lộn, Đạo liền xông vào, tiếp đó là Tý…
Các đoạn clip được trình chiếu tại tòa cho thấy chị Hồng xông vào đánh Trang một cái nhưng chị này đỡ được. Tiếp đó, Trang đánh chị Hồng liên tiếp. Hai bên túm tóc đánh lộn. Lúc này Đạo, rồi Tý mới xông tới... Đoạn cuối của clip cho thấy, chính chị Hồng can Đạo, không cho đánh Trang tiếp. Dù vậy, anh Nam vẫn bật ra vài lời bình phẩm về hành động côn đồ của các bị cáo và cả chị Hồng. Tuy nhiên, tòa đã bác kháng cáo của bị hại, không xem xét chị Hồng có tội, giữ nguyên mức án của Đạo và Tý.
Sai, đúng của bị hại và chị Hồng không bàn đến, nhưng ở góc độ xã hội, có lẽ, anh Nam không hẳn vô can. Anh nhiều lần khẳng định mâu thuẫn của chị Hồng và bị hại chỉ là chuyện phụ nữ, nhưng liệu mâu thuẫn đó có bị đẩy lên cao nếu anh nghe lời em vợ, lánh xa bị hại để tránh cho vợ hiểu nhầm khi còn chưa ly hôn? Liệu anh có đúng khi mang xe đi gửi chỗ khác trong lúc hai vợ chồng chưa giải quyết xong chuyện tài sản, dẫn đến những ngờ vực của 2 người phụ nữ và kết cục đẩy 2 thanh niên vào tù? Như vậy, có còn “chỉ là chuyện phụ nữ”?
(Tên các nhân vật đã thay đổi)
TAM THUẬT