Đến phiên tòa phúc thẩm với kháng cáo xin giảm nhẹ, bị cáo V.H.Đ (sinh năm 1990, trú huyện Cam Lâm) khiến nhiều người phải ngạc nhiên, bởi bị cáo tỏ ra thành khẩn, hối hận, khác hẳn lúc còn ở phiên sơ thẩm.
Trước khi có vụ án, Đ. từng lên mạng xã hội Facebook đòi đánh chị dâu của bị hại. Tối đó, đang ngồi uống bia, Đ. nhận được điện thoại của anh trai bị hại hẹn gặp để giải quyết mâu thuẫn. Đ. kể cho thanh niên nhậu cùng nghe và rủ đi đánh nhau. Thanh niên này chờ Đ. về lấy đao và đến điểm hẹn thì thấy hai anh em bị hại. Nhưng chẳng những không giải quyết được mâu thuẫn, Đ. và anh trai bị hại còn chuyển sang kình cãi. Đ. vung đao chém, khiến anh em bị hại sợ hãi bỏ chạy. Thấy bị hại ngã, Đ. liền chém nhiều nhát, gây thương tích 15%, rồi vứt bỏ đao trên đường về.
Nội dung vụ án tưởng đơn giản nhưng phiên sơ thẩm kéo dài và căng thẳng, bởi bị cáo Đ. chỉ chăm chăm đến bức xúc của bản thân. Bị cáo chỉ thừa nhận đã chém vào tay, nhưng không nhận đã chém vào chân bị hại. Bị cáo lý giải nguyên nhân bực tức gia đình bị hại chính là vì mâu thuẫn trước đó. Cứ coi như việc người khách không hài lòng về dịch vụ do “vợ” bị cáo thực hiện và đăng lên mạng là cách giải tỏa sự không hài lòng, nhưng tại sao chị dâu bị hại không liên quan gì lại chia sẻ nội dung này? Ngược lại, lập luận đó cũng khiến bị hại bức bối. Anh này cho rằng, dù mâu thuẫn với chị dâu tới đâu, bị cáo cũng không thể vì vậy mà mang đao tới “nói chuyện” với anh trai anh. Mâu thuẫn, xích mích, nếu không tự giải quyết được ổn thoả thì phải nhờ pháp luật giải quyết. Bị cáo càng không phải khi chém anh, người không hề liên quan!... Cứ vậy, hai bên đấu khẩu qua lại giữa những tiếng ồn ào của đám đông phía ngoài.
Phiên tòa sơ thẩm kết thúc với phán quyết 2 bị cáo cùng vào tù. Riêng bị cáo Đ. không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
Bị hại phân trần thêm, anh không liên quan gì trong những cuộc cãi vã trên mạng; sau khi bị thương, anh cũng không yêu cầu bị cáo bồi thường, nhưng anh cần một lời xin lỗi thiện chí của Đ. Chẳng thể thanh minh khi đi nói chuyện lại mang theo đao, trong khi anh em anh chỉ đến tay không. Tuy nhiên, tận khi xử sơ thẩm, Đ. vẫn không chịu xin lỗi, còn không nhận đã chém vào chân anh. Như vậy, sao có thể công nhận việc Đ. mang 10 triệu đồng tới bồi thường cho anh là thành tâm? Anh đã từ chối nhận, đồng thời kiên quyết không xin giảm nhẹ cho bị cáo.
Một người biết chuyện nhận xét, Đ. vào tù cũng chỉ vì mong muốn đòi lại thể diện cho người phụ nữ chung sống với Đ. Dù vậy, khi Đ. phải vào tù thì “vợ” cũng không gắn bó với Đ. nữa. Giá bị cáo bớt hung hăng, giải quyết mọi chuyện bình tĩnh hơn, có lẽ đã không có vụ án này, cuộc sống của Đ. cũng không bị xáo trộn. Đến phiên phúc thẩm, bị cáo mới chịu thừa nhận cả 3 vết thương ở tay và chân bị hại đều do mình gây ra và giải thích, sau này mới nhớ lại được toàn bộ diễn biến. Cũng nhờ đó, bị cáo Đ. được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ, được giảm 9 tháng tù. Nhưng với riêng bị hại, Đ. vẫn còn nợ một lời xin lỗi về cách ứng xử, điều duy nhất mà anh này yêu cầu.
Tam Thuật