Ngày 22-11, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa và các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước trên địa bàn tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các NH.
Những khó khăn, vướng mắc
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, 3 vấn đề khó khăn, vướng mắc chủ yếu hiện nay của ngành NH liên quan đến khoanh nợ cho người vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 12 (năm 2017); thu hồi nợ vay theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; các khoản vay của khách hàng mua nhà dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang. 3 vấn đề trên đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngành NH.
Liên quan đến việc khoanh nợ cho người vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 12 (chủ yếu là người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại ở huyện Vạn Ninh vay vốn của Agribank Khánh Hòa), NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam khoanh nợ cho 249 khách hàng với số tiền đề nghị khoanh nợ gần 68,2 tỷ đồng, thời gian khoanh nợ 2 năm tính từ tháng 7-2018. Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ khoanh nợ chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Báo Khánh Hòa đã có bài phản ánh trên số báo Chủ nhật ngày 22-9-2019). Bà Lâm Thị Anh Vân - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, NH đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm từ thời điểm xảy ra cơn bão số 12, hồ sơ khoanh nợ chưa được phê duyệt nên dù NH không muốn nhưng theo quy định vẫn phải chuyển nợ xấu nhiều khoản vay. Đối tượng NH đề nghị khoanh nợ chủ yếu ở vùng nông thôn của huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, tập trung vào nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Vì thế, NH mong muốn UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khoanh nợ để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.
Đối với các khoản nợ vay theo Nghị định 67, toàn tỉnh cho vay đóng mới và nâng cấp 31 tàu với số tiền cam kết cho vay hơn 292 tỷ đồng, tập trung ở BIDV Khánh Hòa và Agribank Khánh Hòa. Đến ngày 31-10, đã giải ngân hơn 288 tỷ đồng, đạt 98,59%, thu nợ gốc hơn 26 tỷ đồng, dư nợ hơn 262 tỷ đồng; trong đó, nợ xấu tới gần 103 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 39,3% và cơ cấu nợ 89,6 tỷ đồng. Do nhận thức không đầy đủ của phần lớn ngư dân, cho rằng đây là chính sách hỗ trợ vốn của Nhà nước nên bên cạnh một số khách hàng gặp khó khăn thực sự trong việc khai thác, vẫn có các chủ tàu cá đi biển thường xuyên, tình hình tài chính tốt nhưng cố tình chây ì, thiếu thiện chí trả nợ, khai báo chuyến biển bị lỗ... để chờ chính sách xóa nợ của Nhà nước. Bà Lâm Thị Anh Vân cho biết, cũng cho vay vốn đóng tàu nhưng với khoản vay thương mại, NH chỉ cho vay 70 - 80% giá trị con tàu và ngoài thế chấp bằng con tàu, có khách hàng còn thế chấp thêm tài sản khác như nhà ở nên ưu tiên trả nợ. Đối với cho vay vốn đóng tàu 67, NH cho vay đến 95%, thế chấp bằng chính con tàu mà không có thêm tài sản bảo đảm khác nên chủ tàu sẵn sàng “giao tàu cho NH muốn làm gì thì làm”. Ông Cao Thế Trọng - Giám đốc BIDV Khánh Hòa cho biết, ngoài nguyên nhân khó khăn ngư trường, nhân lực, đánh bắt không hiệu quả còn có tình trạng chây ì trả nợ. Trong 9 con tàu vay vốn của chi nhánh, chỉ có 1 tàu nằm bờ, 8 tàu vẫn ra khơi. Năm 2018, bình quân mỗi tàu đi 8 chuyến biển. 10 tháng 2019, bình quân mỗi tàu đi 7 chuyến nhưng báo lời rất ít nên khó trả nợ.
Đối với dự án Nhà ở xã hội HQC Nha Trang, do Công ty Hoàng Quân bàn giao nhà chậm tiến độ (cam kết bàn giao tháng 12-2016), kéo theo một số khách hàng vay vốn để mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không trả nợ NH, dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người mua nhà, NH cho vay đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ như: chấp thuận cho khách hàng tạm thời dừng trả nợ vay, miễn phí phạt chậm trả nợ, không nhắc nợ tự động, thực hiện thu nợ gốc, lãi khoản vay từ nguồn hỗ trợ của Công ty Hoàng Quân do chậm bàn giao nhà; làm việc với Công ty Hoàng Quân để đôn đốc tiến độ bàn giao nhà ở cho khách hàng theo đúng cam kết, các biện pháp hỗ trợ tài chính của chủ đầu tư cho người mua nhà khi chậm bàn giao dự án nhằm giảm áp lực tài chính cho khách hàng. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Hoàng Quân vẫn chưa bàn giao nhà, khách hàng tiếp tục không trả nợ vay NH, nợ xấu tăng cao. Đến ngày 31-10, nợ xấu hơn 64,2 tỷ đồng, chiếm 31,8% tổng dư nợ cho vay mua nhà đối với dự án HQC. Lãnh đạo các NH kiến nghị UBND tỉnh có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư bàn giao nhà cho người mua.
Chỉ đạo tháo gỡ
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Hữu Hoàng chỉ đạo ngành NH tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; tiếp tục cho vay để đồng hành với tỉnh trong thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện các biện pháp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn, tiền mặt trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Về các kiến nghị của ngành NH, ông Lê Hữu Hoàng giao NHNN Chi nhánh Khánh Hòa phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ khoanh nợ cho người vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 12. Sở Tài chính phối hợp NHNN Chi nhánh Khánh Hòa và Kho bạc Nhà nước nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho NH thu hồi nợ vay theo Nghị định 67. Đối với dự án Nhà ở xã hội HQC Nha Trang của Công ty Hoàng Quân, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa và Sở Tài chính phối hợp tiếp tục có văn bản đề xuất các giải pháp cụ thể kiến nghị UBND tỉnh trước ngày 5-12. Sở Tài chính quan tâm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác cho NH Chính sách xã hội tỉnh để cho vay các đối tượng chính sách.
NAM DU
Đến cuối tháng 10-2019, huy động vốn toàn tỉnh đạt 83.777 tỷ đồng, tăng 6.022 tỷ đồng (tăng 7,74%) so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt 87.322 tỷ đồng, tăng 9.474 tỷ đồng (tăng 12,17%) so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chiếm 0,67% tổng dư nợ. Đến cuối tháng 12-2019, huy động vốn toàn tỉnh ước đạt 84.120 tỷ đồng, tăng 6.365 tỷ đồng (tăng 8,19%) so với đầu năm; dư nợ cho vay ước đạt 88.790 tỷ đồng, tăng 10.942 tỷ đồng (tăng 14,06%) so với đầu năm. Doanh số cho vay cả năm ước đạt 145.150 tỷ đồng.