Những loài ốc biển chứa độc tố gây chết người

Thứ tư - 23/09/2020 22:27
Ốc mặt trăng, ốc hương Nhật Bản, ốc trám, ốc cối đều là những loài có độc tính mạnh và nguy cơ gây tử vong cao.
Những loài ốc biển chứa độc tố gây chết người

Theo Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, lượng độc tố trong ốc biển còn phụ thuộc vùng địa lý, mùa vụ. Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, người dân tuyệt đối không ăn những loài ốc biển có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa được kiểm chứng về an toàn thực phẩm.

Các loại ốc chứa độc tố

Ốc bùn bóng (Nassarius glans): Đây là một trong 2 loài ốc biển kịch độc, gây tử vong cho các nạn nhân tại Khánh Hòa trong thời gian vừa qua. Vỏ ốc trọng lượng nhẹ, khá mỏng, mịn, hình nón hoặc hình quả trứng. Trên thân ốc có khoảng 6 đường xoắn màu nâu, chóp có các nốt sần. Các đường xoắn hình chóp có gân dọc trục, rãnh xoắn ốc, 2 vòng cuối nhẵn.

Ốc bùn bóng có màu trắng hoặc ngả kem vàng, chiều dài từ 15 đến 50 mm. Loài này thường xuất hiện ở Biển Đỏ và Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương. Chúng chứa chất độc thần kinh tetrodotoxin kịch độc, không thể bị phân hủy, biến tính trong nhiệt độ cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), trong vòng vài phút đến vài giờ sau ăn, bệnh nhân bị rối loạn cảm giác (tê môi, lưỡi, chân tay), sau đó họ liệt toàn bộ cơ, đồng tử giãn.

Đặc biệt, độc tố gây liệt các cơ hô hấp, dẫn tới bệnh nhân không thể ho khạc hay tự thở được và nhanh chóng suy hô hấp, tử vong. Chất độc cũng có thể gây loạn nhịp tim, tụt huyết áp, nôn, đau bụng.

Oc bien chua doc to anh 1

Ốc bùn bóng gây ngộ độc cho 3 ngư dân Khánh Hòa trong thời gian gần đây. Ảnh: Trương Sĩ Hải Trình.

Ốc bùn răng cưa (Nassarius papillosus): Loài ốc này có kích thước vỏ 30-52 mm, hình trứng hoặc nón. Xung quanh vỏ là 8 đường xoắn lồi. Bao phủ vỏ ốc bùn răng cưa là những nốt sần nhỏ hình nhú tròn. Vỏ ốc hình chóp chia thành 3 khối rõ rệt, với thân có 8 hàng ngang, 3 hàng chỉ ở phần chóp và 4 rãnh sần nhọn ở giữa. Kích thước các vòng xoắn giảm dần về phía chóp.

Ốc bùn răng cưa thường máu trắng hoặc hơi đỏ, có đốm đỏ hoặc nâu vàng. Phần còn lại của chóp đôi khi xuất hiện đốm nhỏ khác cùng màu. Tương tự ốc bùn bóng, loài ốc này chứa chất độc tetrodotoxin gây tử vong cao.

Ốc cối địa lý: Loài ốc này tương đối lớn, vỏ mỏng, nhẹ, dễ vỡ và hình trứng. Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, chóp của nó có hình xoắn thấp kèm ngấn và viền ngoài tạo thành hình răng cưa. Vỏ có màu trắng hơi xanh chuyển sang tím nhạt.

Hoa vân của vỏ hình mạng lưới màu nâu và hai hàng vệt lớn màu nâu. Thịt ốc khi còn sống màu vàng cam. Loài ốc này có chiều dài khoảng 110 mm. Đây là loài có độc tính cao nhất trong số các loại ốc cối và được Viện Hải dương học Nha Trang xếp vào nhóm các loài hải sản nguy hiểm.

Ốc cối hoa lưới: Loài này còn có tên là ốc cối bông. Vỏ của nó có dạng hình trứng thuôn, dày, chắc, nặng. Chiều dài trung bình 70 mm với đường kính ngang tại chỗ rộng nhất khoảng 30 mm. Con dài nhất có kích thước 130 mm.

Chóp ốc dạng xoắn hình nón, vòng xoáy đều. Bên ngoài ốc vỏ mịn, láng, màu sắc thay đổi linh hoạt nhưng thường là trắng hơi xanh. Các hoa vân màu nâu, dạng lưới không đều, điểm xuyết có các vệt màu nâu lớn.

Ốc mặt trăng (Turbo chysostomus): Chiều dài của vỏ ốc mặt trăng dao động khoảng 35-80 mm. Ở phần miệng, nó có miếng vảy dày giống chiếc cúc áo bằng xà cừ, lật ngửa ra thì trông giống hình mặt trăng. Vỏ ốc hình trứng nhọn, rắn, màu nâu hoặc trắng pha hạt dẻ. Xung quanh vỏ ốc có 6 đường xoắn lồi và các gai hình vòm. Thịt ốc màu vàng cam.

Theo TS Đào Việt Hà (Viện Hải Dương học), độc tố trong ốc mặt trăng là saxitoxin. Đây cũng là chất độc có trong ốc đụn và ốc trám. Saxitoxin và tetrodotoxin đều loại độc tố thần kinh cực mạnh, trọng lượng phân tử thấp, không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý, chế biến kể cả ở nhiệt độ cao. Độc tố vẫn tồn tại và gây ra độc trong thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay đóng hộp và cấp đông.

Oc bien chua doc to anh 2

Theo TS Đào Việt Hà (Viện Hải Dương học), độc tố trong ốc Mặt Trăng là saxitoxin. Ảnh: Wiki.

Ốc hương Nhật Bản (Babylonia japonica): Loài ốc này có chứa tetrodotoxin (độc tố cá nóc), thường xuất hiện ở ngoài khơi Nhật Bản, Hàn Quốc. Chiều dài ốc từ 40 đến 85 mm. Người dân Nhật Bản thường ăn sống như sashimi với loài ốc này.

Tuy nhiên, nó có khả năng tích tụ các chất độc trong điều kiện nhất định. Ngoài tetrodotoxin, ốc hương Nhật Bản còn chứa chất surugatoxin gây tắc nghẽn các hạch tự chủ và tử vong. Vẻ ngoài của loài ốc này có các đường vân chấm nâu xoáy theo trôn.

Biện pháp điều trị khi bị ngộ độc

Viện Hải Dương học Nha Trang cảnh báo nguồn gốc độc tố ở các loài ốc biển hiện nay khá phức tạp, chưa được biết rõ. Cùng một loài, các cá thể có thể chứa lượng độc chất khác nhau. Do đó, nguyên tắc chung được khuyến cáo là không ăn các loại ốc có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa chắc chắn độ an toàn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo để phòng tránh các trường hợp ngộ độc và tử vong đáng tiếc, người dân không nên ăn các loài sinh vật biển lạ, cá nóc, rắn biển... Chuyên gia này cho hay việc phân biệt chắc chắn giữa các sinh vật có hình dạng tương tự nhau là rất khó.

Hiện chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do tetrodotoxin và saxitoxin. Biện pháp chữa trị y khoa hữu hiệu nhất là kích thích phản ứng nôn cho nạn nhân (nôn càng nhiều càng tốt), súc rửa dạ dày bằng than hoạt tính để thải loại bớt chất độc.

Theo TS Hà, người dân cần tránh ăn, chạm các loài ốc màu sắc lạ, sặc sỡ. Sau khi ăn ốc biển nếu cảm thấy các triệu chứng buồn nôn, khó thở, hôn mê... cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để hỗ trợ kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Chọn và chế biến hải sản như thế nào để không bị ngộ độc?

Hải sản là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng cũng rất dễ nhiễm khuẩn, gây ngộ độc, nhất là khi không được chế biến kỹ, nấu chín.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp