Thời gian qua, lâm phận của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (Công ty Lâm sản Khánh Hòa) xuất hiện nhiều điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng. Cơ quan chức năng đang phối hợp đề ra nhiều giải pháp để giữ rừng hiệu quả.
Nhiều điểm nóng
Những tháng đầu năm, địa bàn các xã cánh tây huyện Khánh Vĩnh rộ lên tình trạng khai thác lâm sản từ rừng tự nhiên trái phép. Không chỉ có điểm nóng đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng, các vụ phá rừng lớn cũng được phát hiện tại địa bàn Khánh Phú, Liên Sang, Khánh Thượng với khối lượng lâm sản khai thác trái phép hơn 133m3. Cùng với khai thác rừng tự nhiên, tình trạng trộm gỗ rừng trồng của công ty cũng diễn ra khá “nóng” ở các địa bàn: Liên Sang, Khánh Thượng, Khánh Phú... Các đối tượng chủ yếu sử dụng cưa tay để cắt hạ cây dầu rái bán làm củi. Nhiều vụ trộm rừng đã bị lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của công ty phát hiện, lập biên bản.
Theo lãnh đạo Công ty Lâm sản Khánh Hòa, gần đây, tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng trái phép trong lâm phận của công ty diễn ra khá phức tạp. Tháng 8 vừa qua, khoảng 60 hộ dân xã Khánh Thành đã tập trung vào khu vực rừng trồng của công ty tại xã Khánh Thành để chặt phá, phát dọn, chiếm đất rừng trồng làm nương rẫy. Đỉnh điểm của vụ việc này là ngày 27 và 28-8, khoảng 106ha rừng tại đây đã bị đốt cháy, thiệt hại hoàn toàn. Tại xã Khánh Thượng, diện tích rừng trồng của công ty vừa khai thác xong, liền bị các hộ dân xã Liên Sang tự ý lấn chiếm để trồng bắp, lúa, mì, keo. Tuy công ty đã phối hợp với UBND các xã Khánh Thượng, Liên Sang tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất để công ty trồng lại rừng nhưng người dân chống đối, khi đơn vị tiến hành trồng rừng theo kế hoạch thì bị người dân nhổ cây.
Tình trạng này còn diễn ra tại nhiều địa phương khác. Từ đầu năm đến nay, qua tuần tra, canh giữ rừng, lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của công ty đã lập 108 biên bản kiểm tra về việc phá rừng trồng trái pháp luật, với tổng diện tích hơn 118ha; lập 3 biên bản liên quan đến việc phát, chiếm đất rừng trồng, diện tích hơn 1,7ha; lập 4 biên bản liên quan đến việc lấn chiếm đất rừng trồng sau khai thác, với tổng diện tích hơn 41ha; lập 11 biên bản về việc người dân phá rừng trồng của công ty để trồng keo, diện tích hơn 14ha.
Phối hợp giữ rừng
Theo lãnh đạo Công ty Lâm sản Khánh Hòa, lâm phận của công ty có trữ lượng lâm sản lớn, chủng loại phong phú; rừng lại nằm cạnh đường giao thông, đường khai thác trước đây dẫn sâu vào rừng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh tập trung khai thác lâm sản trái phép. Các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Hiện nay, một số đối tượng móc nối với đồng bào dân tộc thiểu số khai thác, thu gom, tập kết, đưa xe ô tô vận chuyển lâm sản đi tiêu thụ. Đối với các vụ việc liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng sản xuất trái pháp luật, đa số các hộ vi phạm là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, họ lý giải đất là nương rẫy cũ của gia đình nên vào lấy lại để sản xuất. Các hộ này đa phần có đất nhưng đã bán, hiện nay vào lấn chiếm đất rừng, không nhiều hộ thực sự thiếu đất. Ngoài ra, hiện nay có tình trạng vào lấn chiếm rồi sang nhượng lại cho đối tượng khác với giá 7 - 8 triệu đồng/1.000m2…
Để thực hiện việc quản lý bảo vệ diện tích rừng, đất rừng được giao quản lý, Công ty Lâm sản Khánh Hòa đã ký kết biên bản phối hợp bảo vệ rừng với cơ quan chức năng, UBND 8 xã mà công ty có lâm phận. Công ty cũng tổ chức đóng chốt ở các điểm nóng để giữ rừng, bảo vệ đất rừng; tổ chức lực lượng liên tục tuần tra giữ rừng tự nhiên và rừng trồng, thuê phương tiện múc, phá đường khai thác cũ nhằm hạn chế các đối tượng vào rừng… “Để giữ rừng hiệu quả, chúng tôi rất cần sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan tại Khánh Vĩnh trong việc xử lý các đối tượng khai thác rừng trái pháp luật, nhất là các đối tượng từ địa phương khác đến cư trú trái phép, tổ chức khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng lấn chiếm đất rừng, thu hồi toàn bộ diện tích bị lấn chiếm, nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu, tình trạng lấn chiếm sẽ lan rộng. UBND cấp xã cần thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động người dân chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm…”, ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa kiến nghị.
Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Đơn vị chủ rừng phải tập trung các biện pháp để giữ diện tích rừng hiện có; xử lý dứt điểm tình trạng khai thác trái phép rừng tự nhiên; bố trí lực lượng để tuần tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ lấn chiếm đất rừng trong lâm phận được giao. Công ty cũng phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện việc cắm mốc, xác định ranh giới lâm phận để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, đất rừng. Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo hạt kiểm lâm các địa phương xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện, tổ chức tập huấn về nghiệp vụ cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng.
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới, ngoài nỗ lực của đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, UBND cấp xã và các cơ quan chức năng của huyện Khánh Vĩnh cần phối hợp tốt hơn nữa, nhất là trong việc tuần tra, phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm.
Hải Lăng