Đã mấy năm qua, người dân phía bắc TP. Nha Trang phải sống trong cảnh ngập úng, gặp vô vàn khó khăn khi mùa lũ đến. Họ đang ngóng đợi Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP) sớm triển khai để cải thiện vệ sinh môi trường.
Thiếu lối thoát nước
Mùa thu, buổi chiều bãi biển Hòn Chồng đẹp khó tả. Nhưng ít ai biết phía trên bãi cát, có một cống thoát dẫn nước thải từ các khu dân cư (KDC) phía bắc Nha Trang chảy ra biển róc rách cả ngày đêm. Đi sâu vào một số KDC thuộc phường Vĩnh Hòa, không khó khăn để thấy nhiều con đường nơi đây nước sinh hoạt chảy tràn trên lối đi, bốc mùi hôi khó chịu.
Ông Đặng Văn Trí, ở hẻm 10, đường Nguyễn An, tổ dân phố 16 (phường Vĩnh Hòa) cho hay, nước cứ chảy rả rích trên mặt đường trước nhà, trẻ em trượt té mãi, người đi xe cũng trượt ngã do rong mọc nhiều. “Vùng này đất cứng, hầm rút trong nhà không rút được nên phải xả thẳng nước sinh hoạt ra đường. KDC đông đúc mà không có hệ thống thoát nước, thả chảy tràn. Đã bao nhiêu năm nay người dân chúng tôi ngóng đợi chính quyền làm cống thu gom nước thải, nước mưa cho dân mà không thấy thực hiện”, ông Trí nói.
Tại Khu tái định cư Hòn Đỏ (Đường Đệ), nhiều con đường nơi đây nước chảy thành dòng. Nhiều hộ dân nảy ra “sáng kiến” đúc những gờ xi măng trước nhà để nước thải không chảy vào nhà mà tràn qua… nhà hàng xóm. Bà Phan Thị Khoa, nhà ở lô 125 Khu tái định cư Hòn Đỏ cho biết, KDC không có hệ thống thoát nước nên tất cả mọi nhà đều phải xả nước thải ra đường. Nhà nào cũng thi nhau làm gờ xi măng trước nhà để nước bẩn khỏi tràn vào. Hậu quả là những con đường bị băm nát, gồ ghề, nhếch nhác. “Ban ngày còn đỡ chứ buổi tối còn hôi thối hơn nữa. Vì ban đêm, người dân bơm xả nước thải sinh hoạt từ các bể chứa trong nhà ra đường. Biết là ô nhiễm nhưng ai cũng phải chấp nhận, vì không có cách nào khác”, bà Khoa nói.
Ông Võ Thành Đạt - người dân ở đây nhớ lại, những mùa mưa trước, nước mưa mang theo bùn đất từ trên núi tràn thành dòng lớn xuống mặt đường, người dân phải thuê người tới hốt bùn đất mang đi. Ngày nắng thì nước sinh hoạt chảy róc rách cả ngày, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh ruồi muỗi, dịch bệnh…
Chống bùn, lũ mùa mưa
Trong nhà bà Bùi Thị Thanh Vinh ở đường Điện Biên Phủ vẫn còn để sẵn một tấm tôn chắn nước cỡ lớn từ năm trước đến nay, phòng bị cho mùa mưa tới. Bà nhớ lại, những ngày lũ cuối năm 2018, con đường trước nhà bà ngập tới ngực, nước tràn mạnh vào nhà ngập hơn nửa bánh xe, hư hết đồ đạc. Lũ rút, cả nhà phải xắn quần tát bùn đất ra khỏi nhà. “Tôi ở đây từ năm 2013, nhưng 3 năm trở lại đây, mùa mưa nào nhà cũng ngập to, trong khi đó nhà tôi cách biển chỉ có vài trăm mét. Cứ nghĩ tới mùa mưa sắp đến gần mà lo!”, bà Vinh nói.
Đi sâu vào khu vực tổ dân phố 9, phường Vĩnh Hải, nhiều KDC cũng nhếch nhác không kém. Nhất là khu vực đường Đặng Lộ, nước thải tẹp nhẹp quanh năm. Ông Đỗ Văn Cường nhà ở đường Đặng Lộ kể, nguyên trước đây, khu vực này là một cái bàu, sình lầy, có mạch nước ngầm. Bây giờ, nước từ trên núi Sạn thường xuyên chảy xuống KDC, cộng với nước thải sinh hoạt, lại không có bất cứ cống thoát nước nào, nên cả KDC lúc nào cũng sập sình, hôi thối. Ngày mưa cả KDC ngập sâu, trẻ em đi học không được. Nước rút, bùn đóng lớp trong nhà.
Ông Lê Hàng Nhật Tuấn - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hải cho biết, đến nay, nhiều khu vực trên địa bàn phường vẫn chưa có hệ thống cống cấp 3 để thu gom nước thải từ các KDC. Từ năm 2016, người dân được thông báo Dự án CCSEP sẽ triển khai nhưng sau đó chờ đợi mãi không thấy. Còn ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước thì cho hay, phường không chỉ phải đối mặt với tình trạng nước thải không được thu gom, xử lý gây ô nhiễm, mà tuyến đường 2-4 và các khu vực xung quanh, nhất là khu vực Trường THCS Nguyễn Khuyến thường xuyên bị ngập sâu mỗi lần có mưa lớn. “Mưa không chỉ ngập đường, mà còn ngập cả KDC xung quanh chợ Bàu, nước có khi lên đến lưng quần, mọi hoạt động đình đốn. Người dân đã nhiều lần kiến nghị giải quyết nhưng địa phương không thể xử lý, phải chờ dự án”, ông Cường nói.
Sẽ triển khai dự án vào tháng 9
Khi được đầu tư hoàn thành, dự kiến vào cuối năm 2022, Dự án CCSEP sẽ bổ sung cho TP. Nha Trang: 112km cống cấp 1, 2, 3; khoảng 2,45km kè sông; 4,2km đường được cải tạo, xây dựng mới; mang lại điều kiện vệ sinh môi trường tốt hơn cho 96.000 người hưởng lợi trực tiếp từ dự án và 2.600 học sinh được tiếp cận điều kiện vệ sinh được cải tạo, chưa kể các đối tượng hưởng lợi gián tiếp như khách du lịch đến thành phố. |
Theo Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh, từ cuối năm 2016, Dự án CCSEP sau thời gian chuẩn bị các thủ tục, dự kiến trong tháng 9 này sẽ khởi công các gói thầu: thi công các tuyến cống cấp 3 trên địa bàn toàn thành phố; thi công tuyến cống chung, cống thoát nước mưa trên các tuyến đường: 2-4, Điện Biên Phủ, khu chợ Bàu; thi công tuyến cống thoát nước thải và các trạm bơm khu vực Vĩnh Phước, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa. Các khu vực được đầu tư thi công cống thoát nước mưa là những vị trí bị tác động nặng nhất về ngập lụt. Việc thi công cống thoát nước thải là những nơi nước thải của người dân, cơ sở sản xuất chưa được thu gom, xử lý nên gây ra ô nhiễm nước ngầm, cũng như tại các khu vực cửa xả ra biển, sông thuộc khu vực phía bắc thành phố. Ngoài ra, tại dọc bờ sông Cái chưa được làm kè, đường nên có tình trạng ngập ở khu vực bên trong do mưa lũ, cũng như tình trạng lấn chiếm bờ sông và xả rác, nước thải trực tiếp ra sông. Các hạng mục của Dự án CCSEP được đầu tư sẽ giải quyết đáng kể các tác động nêu trên.
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh cho biết, dự án có tổng mức đầu tư 72 triệu USD. Trong đó, có 60,6 triệu USD vốn vay nước ngoài, tỉnh đối ứng 11,4 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án được phê duyệt triển khai từ năm 2017 - 2022. Nhưng do thời gian chuẩn bị các thủ tục lâu, đến tháng 8-2019 mới được cấp vốn nên dự án phải tăng tốc thực hiện tối đa để đáp ứng tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2022. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng (chiếm 70% vốn của dự án) là một thách thức lớn đến tiến độ của dự án. “Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu và ủng hộ dự án là rất quan trọng. Qua đó, người dân càng nâng cao ý thức gìn giữ môi trường, cũng như chung tay thực hiện dự án”, ông Nhân nói.
Minh Thiết