Đến từ nước Pháp, vượt qua bao sóng gió, con tàu mang tên De Lanessan đã đưa các nhà khoa học ra nghiên cứu quá trình hình thành, chế độ thủy văn, tiềm năng khoáng sản... của quần đảo Hoàng Sa. Sự hiện diện của nó trên thực địa đã minh chứng hùng hồn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Tọa lạc ngay cạnh cảng Cầu Đá, mỗi ngày, Viện Hải dương học Nha Trang, trong đó có Bảo tàng Hải dương học Việt Nam tiếp đón hàng nghìn người đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Bảo tàng được mệnh danh là không gian thu nhỏ của biển Việt Nam; hiện có hơn 20.000 mẫu sinh vật lấy từ hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và một số vùng trên Biển Đông. Đến Phòng Truyền thống của Viện Hải dương học Nha Trang, nhiều người đã dừng chân rất lâu trước mẫu hình một con tàu mang tên De Lanessan.
Trong ký ức của những người nghiên cứu biển Việt Nam kỳ cựu, hình ảnh con tàu ấy rất đỗi quen thuộc và thiêng liêng. Chạy bằng hơi nước, tàu De Lanessan được thiết kế hiện đại, có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu hải dương học và đánh bắt xa bờ trong thời gian dài. Tên gọi De Lanessan ghi nhớ một nhân vật đặc biệt: bác sĩ hải quân Jean - Marie de Lanessan, người nổi tiếng trong giới khoa học cũng như chính trường nước Pháp, từng được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương trong khoảng thời gian từ năm 1891 đến năm 1894. Tàu De Lanessan có trọng tải 750 tấn, dài 45m, mặt boong rộng 7,63m, mớn nước 4,45m, công suất 350CV. Thể theo yêu cầu về việc nghiên cứu khu vực Biển Đông cần phải có một con tàu đủ lớn, De Lanessan được bàn giao cho Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương ngày 21-6-1924, tại cảng Bordeaux, nước Pháp.
Sau chặng hải trình nhiều sóng gió, ngày 7-11-1924, De Lanessan cập cảng Hải Phòng. Ngày 7-4-1925, tàu được điều động đến vịnh Bắc Bộ. Ngay một ngày sau đó, nó đánh mẻ lưới thí nghiệm đầu tiên trên biển Việt Nam, tại tọa độ từ 20038’N - 107001’E đến 19039’N - 106045’E. Kể từ đó, nhật ký hải trình và các trạm khảo sát của con tàu De Lanessan mở ra trên vùng biển Việt Nam, gắn với những chuyến thám sát, nghiên cứu biển dài ngày của các nhà khoa học thuộc Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương khi đó, tiền thân của Viện Hải dương học Nha Trang bây giờ.
Chuyến đi đầu tiên, tàu De Lanessan đưa các nhà khoa học của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương đến quần đảo Hoàng Sa vào tháng 6-1925, bắt đầu nghiên cứu kiến tạo địa chất của quần đảo này. Ở đây, theo các nhà khoa học mô tả, chim trời các loại nhiều vô kể. Trên mặt đất, phân chim đóng từng lớp, rất dày. Trong báo cáo của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương năm 1925 - 1926, Tiến sĩ Pierre Chevey, sau này là Giám đốc Viện Hải dương học thời gian từ năm 1933 đến 1942, kể lại: “Chúng tôi chỉ thấy có một ít thuyền buồm đến những đảo nhỏ hoang vắng này để đánh bắt rùa biển, trai biển khổng lồ, hải sâm và các loài hải sản khác mà người ta chỉ thấy trên những đảo san hô. Thật ra, đấy không phải là những thuyền buồm của người chuyên đánh cá đến để khai thác hải sản trên dải đá ngầm của quần đảo Hoàng Sa. Đây là những nhà hàng hải mà hàng năm chúng tôi vẫn thấy họ qua lại vào thời gian gió mùa”.
Cuộc khảo sát của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương hồi ấy được xác định là hoạt động nghiên cứu khoa học biển đầu tiên trên quần đảo Hoàng Sa, do Việt Nam thực hiện. Tiếp đó, tàu De Lanessan đã thực hiện hàng loạt hoạt động thăm dò và kéo lưới cào để khảo sát thềm lục địa. Qua đó, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều tư liệu thể hiện sự hình thành nền của quần đảo Hoàng Sa. “Chúng tôi đã phát hiện sự kiến tạo dưới biển quan trọng trong đợt nghiên cứu vừa mới tiến hành ở khối đảo cách ly ở giữa Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Qua thăm dò ở thềm lục địa quần đảo Hoàng Sa, ở đó có những đá ngầm và đảo nhỏ nhô lên, chúng tôi đã ghi nhận đáy biển ở đây sâu từ 40 đến 100m, được tạo nên từ những nguyên liệu thuộc nhóm cuối cùng bởi các trầm tích san hô”, Tiến sĩ Pierre Chevey thuật lại, theo Báo cáo của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương, năm 1925 - 1926.
Từ thực địa, nghiên cứu “Hình dạng các đảo san hô ngầm và chế độ gió” của Tiến sĩ Armand Krempf công bố năm 1927, cho thấy đầy đủ quá trình hình thành các đảo ở Hoàng Sa từ địa chất đến hình dạng. Nói thêm, Tiến sĩ Armand Krempf làm Giám đốc Viện Hải dương học thời gian từ năm 1930 đến 1933.
Trong chuyến khảo sát của tàu De Lanessan tại Hoàng Sa tháng 6 và 7-1926, các nhà khoa học đã tìm thấy mỏ phosphat được tạo nên bởi phân chim trên các đảo. Mỏ phosphat lộ thiên trên các đảo ở Hoàng Sa đã được biết đến từ trước, nhưng chưa được khảo sát, nghiên cứu đầy đủ để xác định tính khả thi trong khai thác. Tháng 5 và 6-1931, tàu De Lanessan ra Hoàng Sa mang theo vị khách mời đặc biệt: kỹ sư Maurice Clerget - một chuyên gia về hóa chất, mỏ, để có thể thực hiện việc khảo sát mỏ phosphat một cách đầy đủ, chu đáo hơn. Theo báo cáo của Viện Hải dương học Nha Trang, đã có hơn 1 tấn mẫu phosphat được đưa về Đà Nẵng bằng lưới kéo của tàu De Lanessan để ông Maurice Clerget phân tích. Những kết quả đầu tiên từ nghiên cứu ấy cho biết, ở Hoàng Sa, trữ lượng quặng phosphat có thể lên tới 8 triệu m³. Tuy nhiên, nếu khai thác, sẽ phải đối mặt với một khó khăn rất lớn, đó là vấn đề vận chuyển.
Thực tế, tàu De Lanessan đã có bốn chuyến khảo sát vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam: tháng 6-1925, tháng 6 và 7-1926, tháng 5 và 6-1931 và tháng 10-1935. Nhờ hoạt động hiệu quả của tàu De Lanessan, Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và thu thập thông tin xuống phía nam: vịnh Thái Lan; lên phía bắc: vịnh Bắc Bộ; ra các vùng khơi xa và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; khảo sát có hệ thống và định kỳ trên 572 trạm, đặc biệt là hai trạm cố định, một ở Cầu Đá, Nha Trang và một ở quần đảo Hoàng Sa.
Kể từ năm 1925, tàu De Lanessan đã gắn chặt với các hoạt động của Viện Hải dương học. Trong các báo cáo thường niên của viện đều có nội dung hoạt động của con tàu. Báo cáo năm 1927 - 1928 viết: “Trong cả năm hoạt động, tàu De Lanessan đã đi được 106 ngày trên biển, trong đó đã dành trên 300 giờ khảo sát đáy biển và kéo lưới”.
Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết: Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương là cơ quan tiền thân của Viện Hải dương học Đông Dương, nay là Viện Hải dương học Nha Trang, được thành lập theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương François Marius Baudoin ký ngày 14-9-1922. Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học về biển có bề dày lịch sử lớn nhất nước ta. Từ khi mới ra đời, hoạt động khảo sát, nghiên cứu của viện đã gắn liền với vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Con tàu De Lanessan đã có đóng góp vô cùng quan trọng trong kết quả khảo sát, nghiên cứu ấy. Rất tiếc, do hư hỏng, tàu De Lanessan đã phải về Sài Gòn để sửa chữa. Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, các hoạt động nghiên cứu của Viện Hải dương học gặp nhiều khó khăn. Song, có thể nói, sự hiện diện của con tàu De Lanessan trên quần đảo Hoàng Sa và những đóng góp quan trọng của nó trong quá trình nghiên cứu sự hình thành của quần đảo Hoàng Sa từ đầu thế kỷ XX đã thực sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, một cách khoa học.
Người viết bài này đang đi tìm tư liệu về vị thuyền trưởng của con tàu đặc biệt này. Nhưng thật tiếc, thông tin có quá ít và còn rời rạc.
PHONG NGUYÊN