Vừa bán đi chiếc xe máy cuối cùng để trang trải cuộc sống, Aleksei - du khách đến từ Nga - nói sẽ về nước sau nhiều tháng cầm cự ở Nha Trang.
Dịch bệnh khiến công việc của anh gặp khó khăn. Ước muốn gắn bó lâu dài với thành phố biển cũng đành gác lại.
Cố bám trụ
Khác với những du khách đến Nha Trang chỉ để nghỉ dưỡng, Aleksei kiếm thêm cho mình một công việc để ở lại với phố biển lâu hơn. Anh dồn toàn bộ tiền tích góp để thuê một căn nhà cấp 4 ở phường Tân Lập.
“Tôi thích du lịch khám phá. Hồi mới đến Nha Trang, tôi nhờ một bạn người Việt Nam từng sống bên Nga mua xe máy cũ, tân trang lại rồi cho khách thuê”, anh nói.
Hồi chưa có dịch Covid-19, nhiều du khách đến Nha Trang nghỉ dưỡng nên việc cho thuê xe tự lái giúp Aleksei có nguồn thu ổn định. Thời điểm đó, anh tự thưởng cho mình những chuyến đi đến các tỉnh lận cận như Đà Lạt, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Khu vực anh Aleksei thuê nhà để cho thuê xe máy. Ảnh: An Bình. |
Rồi dịch bệnh ập đến, không chỉ Aleksei mà những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Để vượt qua đợt dịch đầu năm, Aleksei lấy tiền tích góp ra sử dụng. Dự định nghỉ hè ở Mũi Né vì thế không thể thực hiện.
Tiền cứ cạn dần. Hồi tháng 7, anh hăm hở khi chính quyền mở cửa đón du khách. Nhưng đợt dịch thứ hai ập đến.
Tiền hết, Aleksei buộc phải bán dần số xe máy để sống qua ngày. “Hôm nay là chiếc cuối cùng, mình cũng không biết những ngày tới sẽ sống như thế nào. Rất yêu Nha Trang, mình đã cố bám trụ vì tình yêu đó”.
Cũng đến từ Nga, Borisovna cố gằng duy trì cuộc sống bằng việc bán hàng ở khu Mường Thanh Viễn Triều mỗi buổi tối. Cửa hàng của anh chỉ là chiếc xe đẩy, có hệ thống làm kem lạnh. “Kem gì cũng có, khách hàng muốn hương vị gì tôi đều làm được”, người đàn ông này quảng cáo.
Ở Nha Trang được 4 năm, đây là lần đầu tiên Borisovna phải đi bán kem để sống qua ngày. Anh từng là phiên dịch viên của một công ty lữ hành chuyên về khách Nga.
“Hồi còn đi làm thấy du khách và cả người bản địa rất thích ăn kem kiểu này. Mình mất hơn một tuần học trên mạng mới biết cách làm”, Borisovna nói.
Nhưng việc kinh doanh chỉ giúp anh khuây khỏa. Khách ít nên chẳng có lãi lời. “Ở đây khó khăn nên lâu lâu phải gọi người thân gửi tiền sang. Nha Trang rất đẹp lại yên bình nên mình sẽ cố cầm cự. Mong sớm hết dịch bệnh, kiếm lại công việc để ở Nha Trang lâu hơn”.
Borisovna cũng xác định nếu tình hình chưa thể cải thiện, anh sẽ tìm công việc khác vì tiền bán kem không đủ mua nguyên liệu.
Hai du khách đặc biệt
Tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa có 2 du khách đặc biệt. Họ đều đến từ Nga.
Dnestrian Igor (53 tuổi) từng không phải người xa lạ ở khu vực Hòn Chồng. Chiều chiều, ông hay đi dạo, tắm biển và gặp gỡ người dân địa phương.
Hồi tháng 1, ông Dnestrian Igor bị tai nạn giao thông. Một thời gian sau, mọi người thấy du khách này về lại khu vực cũ. Nhưng lần này, ông Dnestrian Igor lang thang, ăn xin dọc đường Phạm Văn Đồng.
Ông Dnestrian Igor mong muốn sớm được về với gia đình sau nhiều tháng kẹt lại Nha Trang. Ảnh: An Bình. |
“Khi được cơ quan chức năng đưa vào trung tâm, ông Dnestrian Igor có biểu hiện loạn thần do di chứng của vụ tai nạn”, một cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội Khánh Hòa thông tin.
Khi vào trung tâm, du khách này chỉ nhớ được tên. Trên người có tấm thẻ căn cước đã nhàu nát.
Ông Dnestrian Igor sau đó được đưa vào Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa chữa trị. Tinh thần ổn định, ông về lại trung tâm và được các bác sĩ chăm sóc, sức khỏe dần hồi phục.
Lúc này, ông Dnestrian Igor đã nhớ được địa chỉ ở quê và tên người thân cần liên lạc. “Ở đây được chăm sóc rất tốt, nhưng mình muốn về nhà cùng gia đình”, ông Dnestrian Igor nói.
Du khách đặc biệt thứ 2 là ông Andrei Ganev, ở trong Trung tâm bảo trợ xã hội được 3 tháng.
“Ông Andrei Ganev được cơ quan chức năng đưa vào đây nhờ trợ giúp vì không còn giấy tờ, tiền bạc”, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Mấy ngày hôm nay, Andrei Ganev được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt vì có biểu hiện sốt.
Andrei Ganev nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 1/2020. Giấy tờ bị mất, tiền bạc không có nên sống lang thang. "Dịch bệnh khiến mình không thể kiếm được việc làm nuôi bản thân. May mắn được vào đây, mình thấy thật tuyệt vời. Cảm ơn các bạn”, du khách đến từ Nga nói.
Nhân viên y tế trung tâm bảo trợ xã hội kiểm tra sức khỏe cho anh Andrei Ganev. Ảnh: An Bình. |
Andrei Ganev cho biết đã đến Nha Trang du lịch từ 5 năm trước. Cứ hết hạn visa, anh lại gia hạn và tiếp tục gắn bó với phố biển Nha Trang.
"Giờ là lúc tôi phải về nhà. Khi sức khỏe tốt, dịch bệnh qua đi, tôi sẽ quay lại Nha Trang du lịch và để cám ơn các bạn. Con người Nha Trang rất tuyệt vời”, Andrei Ganev bày tỏ.
Nơi cưu mang khách Tây
Sau 15 năm sống ở Nga, chị Vinh (quê Hà Nội) quyết định gắn bó với mảnh đất Nha Trang. Thuê căn nhà 3 tầng ở hẻm 96 Trần Phú, chị mở quán ăn phục vụ khách du lịch.
Từ đó, căn nhà trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách Nga, đặc biệt là những người như Aleksei. “Mình nấu các món ăn chuẩn vị Nga nên tụi nó thích lắm. Họ bảo kiếm cả Nha Trang cũng chỉ được 3-4 quán ăn nấu đúng phong cách của Nga”, chị Vinh kể.
Rồi dịch Covid-19 ập đến, công việc làm ăn của mọi người đều khó khăn. Quán chị Vinh trở thành nơi giúp đỡ những vị khách Nga mắc kẹt ở Nha Trang.
Hàng ngày, khách du lịch vẫn đến nhưng không phải ai cũng có tiền để trả. “Nhiều người là chỗ quen từ lúc mở quán, giờ mình không cho ăn nợ cũng cảm thấy khó nghĩ. Ai đến ăn mình đều tiếp, có tiền thì trả, không thì nói họ hôm sau đưa lại”, chị Vinh tâm sự.
Quán chị Vinh trở thành điểm đến quen thuộc của du khách kẹt lại Nha Trang. Ảnh: An Bình. |
Nữ chủ quán kể hồi mới sang Nga, chị cũng được nhiều người cưu mang, đùm bọc. Vì thế, chị Vinh hiểu hoàn cảnh của những du khách ghé quán chị lúc này.
Nhưng cũng có trường hợp khiến chị Vinh khổ sở. “Họ ăn chịu gần một tuần, mình bảo có tiền mới bán. Hôm đó, họ nằm giữa nhà bảo không cho ăn sẽ nằm đây luôn”, chị cười khi kể về tình huống đáng nhớ.
Qua trò chuyện, chị Vinh thấy du khách mắc kẹt ở Nha Trang đa số là ở các vùng hẻo lánh của Nga. Thấy ở đay đẹp, Họ ở lại, kiếm công ăn việc làm trang trải cuộc sống.
"Khi visa hết hạn, họ gia hạn thị thực rồi quay lại tiếp tục làm việc. Còn một số ít du khách mắc kẹt, không về nước được vì ở các vùng hẻo lánh, không có đường bay và cũng không có tiền", chị Vinh cho biết.
Ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết đơn vị đã cố gắng hết sức để chăm lo tốt nhất cho 2 du khách Nga. Từ việc nấu ăn sao cho hợp khẩu vị đến đáp ứng một số nhu cầu cá nhân để họ cảm thấy thoải mái khi ở đây.
Tuy nhiên, việc nuôi 2 du khách “bất đắc dĩ” khiến trung tâm gặp một số khó khăn. "Ngoài bất đồng về ngôn ngữ còn là chuyện kinh phí. Hai vị khách này nằm ngoài kế hoạch nên chúng tôi phải linh động kinh phí từ nhiều nguồn”, ông Công nói.
Còn bà Nguyễn Thị Trung Thu, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã có kế hoạch hồi hương cho 2 du khách Nga ở Trung tâm bảo trợ xã hội. “Hồ sơ đã xong, chúng tôi đang chờ thông báo của Tổng Lãnh sự Nga tại TP.HCM vì hiện nay chưa có chuyến bay”, bà Thu thông tin.
Du khách mắc kẹt nấu hàng nghìn suất cơm ủng hộ tuyến đầu chống dịchBị kẹt lại TP Đà Nẵng, nhóm du khách cùng nhau tổ chức bếp từ thiện, nấu hàng nghìn suất ăn để tặng cho lực lượng phòng, chống dịch. |