Mới đây, một ngư dân ở Khánh Hòa thiệt mạng sau khi ăn số ốc đánh bắt trên vùng biển huyện Vạn Ninh. "Sát thủ" này được Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, xác định là ốc bùn răng cưa và bùn bóng. Đây không phải trường hợp đầu tiên ngư dân Việt Nam thiệt mạng do ăn các loại ốc này.
Nhiều người tử vong
Liên quan tình hình 2 ngư dân bị ngộ độc do ăn ốc bùn răng cưa và bùn bóng, TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau thời gian điều trị, bệnh nhân H.V.N. (21 tuổi) và T.Q.T. (22 tuổi) đã ổn định sức khỏe. Hai bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc được, sinh hiệu ổn định.
Trước đó, ngày 11/9, trong khi đánh cá trên vùng biển huyện Vạn Ninh, T.Q.T. lặn bắt được túi ốc biển lạ. Ba người mang cho gia đình người quen ở đảo Khải Lương một ít ốc. Số còn lại được họ hấp ăn trong chiều cùng ngày. Sau 30 phút, cả ba có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, tê môi…
Ốc bùn răng cưa gây cái chết cho nhiều người. Ảnh: Trương Sĩ Hải Trình. |
Ngày 12/9, hai bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Người còn lại đã tử vong ngoại viện. Gia đình ở đảo Khải Lương do chưa biết ốc gì nên chỉ có hai người ăn vài con. Hiện hai người này chưa có triệu chứng khác thường và được theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh. Viện Hải dương học xác định những người này ăn ốc bùn răng cưa và bùn bóng.
Tháng 2, gia đình 3 người ở Khánh Hòa cũng nhập viện do ăn ốc bùn bóng. Hai người con (6 và 15 tuổi) may mắn không nguy hiểm tính mạng. Người mẹ (44 tuổi) bị ngộ độc nặng và tử vong sau 2 giờ ăn ốc.
Tháng 12/2019, một phụ nữ 46 tuổi có biểu hiện tê bì chân, tay, hôn mê sâu sau khi ăn ốc bùn răng cưa. Người này đã ngừng tim trên đường đến bệnh viện.
Giữa tháng 7/2018, cái chết của một nữ giáo viên (26 tuổi, ngụ tại huyện Hoài Nhơn, Bình Định) khiến nhiều người bất ngờ. Trước đó, người này ăn 2 con ốc bùn răng cưa. Không lâu sau, nữ giáo viên bị nôn, tê miệng, cứng cổ, thở khò khè và tử vong trên đường chuyển viện.
Trong 3 năm trở lại đây, các địa phương ven biển ghi nhận nhiều người ngộ độc hải sản. Đặc biệt, một số trường hợp thiệt mạng do ăn phải ốc độc, phổ biến nhất là bùn răng cưa và bùn bóng.
Tiến sĩ Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết 2 loài ốc này chứa độc tố thần kinh tetrodotoxin. Chất độc này tác động lên hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao. Ước tính, 5-10 cá thể ốc chứa lượng độc tố này có thể khiến một người tử vong trong 30 phút đến vài giờ sau khi ăn.
Dấu hiệu ngộ độc
Viện Hải Dương học Nha Trang cho biết nguồn gốc độc tố ở các loài ốc biển hiện nay khá phức tạp, chưa được biết rõ. Cùng một loài, các cá thể có thể chứa lượng độc chất khác nhau. Do đó, nguyên tắc chung được khuyến cáo là không ăn các loại ốc có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa chắc chắn độ an toàn.
Ốc bùn bóng khá phổ biến ở vùng biển Việt Nam. Ảnh: Trương Sĩ Hải Trình. |
Hai độc tố được tìm thấy trong các loài này là tetrodotoxin (độc tố cá nóc, mục đốm xanh, so… ) và saxitoxi (độc tố vi tảo trong sinh vật hai mảnh vỏ, cua rạn…).
Ngoài hai loài kể trên, nhiều ốc biển được ghi nhận gây ngộ độc phổ biến trong khu vực Thái Bình Dương. Trong đó, ốc mặt trăng, ốc đụn, ốc trám... được xác định chứa saxitoxi. Ốc tù và, ốc hương Nhật Bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc… chứa tetrodotoxin.
TS Đào Việt Hà cho biết ngành y tế chưa có thuốc kháng độc tố tetrodotoxin và saxitoxin. Biện pháp chữa trị hữu hiệu nhất là kích thích phản ứng nôn cho nạn nhân, súc rửa dạ dày bằng than hoạt tính và hỗ trợ hô hấp.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết ngộ độc ốc là bệnh lý thường gặp. Mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc do ăn các loại ốc.
Nếu ăn phải thực phẩm chứa độc chất tetrodotoxin hoặc saxitoxi, nạn nhân có triệu chứng theo 4 cấp độ. Cấp độ một, nạn nhân bị tê môi, miệng và vùng hầu họng. Cấp độ 2, triệu chứng nói khó, nuốt khó bắt đầu xuất hiện. Sang cấp độ 3, nạn nhân bị khó thở, co giật toàn thân. Đến cấp độ 4, nạn nhân rơi vào tình trạng liệt cơ toàn thân, khó thở, suy hô hấp và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Do cấu trúc hóa học khá đặc biệt, độc tố này không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao khi chế biến. Vì vậy, chúng tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, xào nấu, kể cả thực phẩm cấp đông, đóng hộp. Do đó, dù đã chế biến cẩn thận, nạn nhân vẫn có thể bị ngộ độc nặng.
Hai loài ốc biển gây chết người ở Khánh HòaLoài ốc lạ khiến ngư dân ở Khánh Hòa tử vong đã được Viện Hải dương học xác định tên và độc chất có trong chúng. |