Năm 2019, sau khi sinh con 6 tháng, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1985, Nha Trang) bị sưng to ở ngực. Thăm khám nhiều nơi ở Nha Trang và TP.HCM, chị đều được kết luận bị viêm tuyến vú.
“Tôi khá chủ quan nên nghĩ không sao, nhưng uống thuốc hoài không khỏi. Đến khi sưng quá to, tôi đi sinh thiết thì phát hiện bị ung thư vú giai đoạn 3B, đã di căn hạch nách, hạch thượng đòn. Đó là ngày 31/12/2019, con gái út của tôi mới 1 tuổi”, chị Thúy kể với Zing.
Cầm kết quả trên tay, cảm giác đầu tiên của chị là không lo sợ, “có bệnh thì chữa chứ không biết làm sao”. Nhưng về nhà, nhìn hai con còn nhỏ dại, lại nghĩ bản thân còn trẻ, chị buồn khi nghĩ cho gia đình.
Sau khi sốc lại tinh thần, chị Thúy cùng chồng và hai con đi chụp tấm ảnh kỷ niệm mà theo chị, “để sau này trọc đầu ngắm cho đỡ buồn”.
Bước vào Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, hành trình chiến đấu với căn bệnh quái ác của chị Thúy bắt đầu.
Chị Thúy phát hiện mắc ung thư khi con gái út mới 1 tuổi. Trước khi điều trị, chị cùng gia đình chụp tấm ảnh kỷ niệm (ảnh trái). |
Những ngày chênh vênh
Thời gian đầu chữa trị, chị Thúy phát hiện trường hợp tương tự mình không hề hiếm.
Những ngày dài chờ đợi, mệt mỏi với hàng tá xét nghiệm, mất phương hướng khiến bản thân người mẹ trẻ suy sụp. Bác sĩ nói bệnh của chị phát hiện ở giai đoạn khá muộn, không thể chắc chắn chữa khỏi hay không.
“Bạn có thể không sợ bệnh tật. Nhưng những lo toan cho gia đình, người thân xung quanh cứ làm bạn đau đớn. Sợ con cái không ai chăm, sợ gia đình khổ sở vì phải lo lắng cho mình”, chị Thúy nhớ lại.
Những ngày đầu phát hiện bệnh, chị Thúy từng buồn bã, mệt mỏi, chênh vênh, không biết ngày mai sẽ ra sao. |
Thời điểm đó, chị Thúy có một người cô bị ung thư. Anh trai chị cũng qua đời chưa đầy 3 tháng do mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, chị không vì vậy mà đầu hàng số phận.
“Cô tôi chưa từng rơi nước mắt mà từng bước tiêu diệt, coi ung thư như chưa từng tồn tại trong đời. Tôi cũng may mắn gặp được một người chị dũng cảm chiến đấu với bệnh. Họ đã truyền cho tôi niềm tin, động lực để không gục ngã trên chiến trường K đầy nước mắt”, chị nói.
Tuy vậy, để có thể lạc quan như ngày hôm nay là điều không hề dễ dàng với người phụ nữ 36 tuổi.
Sau 6 toa hóa trị, bệnh của chị Thúy chưa tiến triển tốt. Tới toa thứ 7, chị mệt mỏi đến mức không dậy nổi, ăn gì vào lại nôn thốc nôn tháo suốt nửa tháng. Sau đó 21 ngày, toa hóa trị thứ 8, cũng là liều nặng nhất, khiến chị nằm liệt giường gần 1 tháng.
“Đã có đôi lần tôi nản lòng. Sự mệt mỏi khiến tôi cứ tưởng bản thân không thể vượt qua. Mỗi lúc như vậy, tôi lại mở hình con ra xem để lấy động lực. Tôi nghĩ đằng nào cũng bệnh rồi, cứ lo lắng, buồn bã chỉ làm bệnh nặng thêm. Tôi quyết định đi chơi rồi về phẫu thuật. May mắn là sau tất cả, bác sĩ nói cơ thể tôi đáp ứng thuốc tốt”, chị kể.
Mỗi lần đau đớn, mệt mỏi vì tác dụng phụ của thuốc khi hóa trị, chị Thúy lại mở hình các con ra xem để lấy động lực. |
Hiện, chị Thúy phải duy trì uống thuốc trong ít nhất 5 năm tới. Phần tế bào ung thư đã di căn lên hạch thượng đòn không thể phẫu thuật loại bỏ, song có thể khống chế được.
Mỗi tháng một lần, chồng lại đưa chị bay từ Nha Trang vào TP.HCM để tái khám.
Không biết sống sao nếu thiếu chồng
Vừa gửi tấm ảnh chụp với chồng, chị Thúy nói đây là người đàn ông cùng chị trải qua thời gian khó khăn nhất. Hai người là bạn học từ hồi cấp 2, tình cảm đã kéo dài hơn 20 năm.
“Lần nào đi khám, anh cũng hộ tống vợ không thiếu ngày nào. Lúc tôi mổ ở bệnh viện, một tay anh chăm vợ từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh thân thể hay bất cứ điều gì. Anh cứ thế lặng lẽ săn sóc tôi, không hề kể lể và chịu đựng những lúc tôi vào thuốc nóng nảy, giận hờn vô cớ”, chị kể.
Những lúc chị Thúy đau đớn, buồn bã, ông xã lại dỗ dành, nói vợ bằng mọi giá phải cố lên: “Anh cần em, hai con cần mẹ. Không có em, ba cha con anh không biết sống sao”. Vì câu nói này của chồng, chị đã cố gắng đến cùng.
“Không có anh, tôi không biết mình có thể vượt qua tất cả sóng gió được hay không”, chị Thúy xúc động nói.
Chị Thúy cảm thấy may mắn khi có chồng luôn ở bên động viên, chăm sóc trong khoảng thời gian điều trị bệnh. |
Nhờ tất cả tình yêu thương, động lực nhận được từ những người xung quanh, chị Thúy luôn tự nhủ bản thân phải chiến đấu tới cùng với căn bệnh ung thư.
“Một là thắng. Hai là sống chung với nó, ăn cơm bệnh viện suốt đời. Miễn sao còn sống với gia đình, với con cái là được”, chị nói.
Với chị Thúy, cuộc chiến đó vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, chị cố gắng từng ngày đem ngọn lửa lạc quan thổi vào những người đồng bệnh đang buồn bã ngoài kia.
Để làm được điều đó, chị tham gia các hội nhóm của bệnh nhân ung thư để chia sẻ bài viết động viên, giúp mọi người có cái nhìn lạc quan, sống tích cực và vui vẻ hơn.
Mỗi lần nhận được tin nhắn tâm sự, nhờ động viên hay lời cảm ơn, chị Thúy lại cảm thấy hạnh phúc.
“Đã có những lúc tôi sợ hãi mọi thứ: sợ phải đối diện với sự thật, sợ ngày mai đen tối mịt mờ, sợ giọt nước mắt của mẹ khi anh trai vừa mất, mà mình thì còn quá trẻ. Lạc quan trên chiến trường sinh tử là điều chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng bây giờ, tôi đã chiến thắng bệnh tật. Tôi mong mọi người hãy vui vẻ, lạc quan để bước tiếp con đường của mình. Hãy sống phần đời còn lại rạng ngời nhất có thể”, chị nhắn nhủ.
Chuyện tình đẹp của cô gái mắc bệnh tim và chàng trai ung thưTrong sinh nhật thứ 27 cũng là tròn 49 ngày Nam qua đời, Ly mang bánh kem đến bên mộ bạn trai cùng lời nhắn nhủ nghẹn ngào. Chuyện tình của họ lấy đi nước mắt nhiều người. |