Vừa qua, phản ánh đến VTC News, bà Lê Thị Hội (ngụ phường Cam Lợi, thanh phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, năm 2003, bố mẹ bà là ông Lê Vui và bà Phạm Thị Một có lập 1 di chúc thừa kế tài sản.
Theo di chúc này, ngôi nhà ở địa chỉ 175 Quốc lộ 1, phường Cam Lợi, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) sẽ được để lại cho ông Lê Định (hiện đang định cư ở nước ngoài) làm nơi sinh sống, thờ cúng ông bà tổ tiên và không được bán hay sang nhượng cho bất kỳ ai.
Trong thời gian ông Định đang ở nước ngoài, bà Lê Thị Hội (chị gái ông Định – PV) sẽ quản lý, chăm nom ngôi nhà. Bà Hội có quyền kinh doanh, buôn bán hoặc làm nghề khác để có tiền sinh sống, phụ giúp bố mẹ cũng như đóng thuế Nhà đất cho Nhà nước.
Tuy nhiên theo bà Hội, đến năm 2012, khi ông Định chưa về Việt Nam đã vay số tiền 900 triệu đồng của bà Lê Thị Liêng (ngụ phường Cam Lợi, TP Cam Ranh) và dùng ngôi nhà ở phường Cam Lợi để làm tài sản thế chấp.
Di chúc nêu rõ ngôi nhà chỉ được ở, không được bán.
Cho rằng việc ông Định dùng ngôi nhà từ đường để lại làm tài sản cầm cố là trái ý nguyện của của bố mẹ, bà Hội không đồng ý giao nhà. Ông Định đâm đơn kiện bà Hội ra tòa để đòi lại ngôi nhà từ đường.
Đến năm 2013, vụ án dân sự “Tranh chấp tài sản thừa kế” đã được Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đem ra xét xử, quyết định chấp nhận yêu cầu của ông Lê Định. Tòa buộc bà Lê Thị Hội phải giao ngôi nhà ở 175 Quốc lộ 1 (phường Cam Lợi, TP Cam Ranh) cho ông Định quản lý, sử dụng vào việc thờ cúng.
Thế nhưng, đến ngày 21/4/2017, vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa ông Định và bà Liêng được đem ra xét xử. Trong đó, bà Liêng đề nghị ông Định phải trả số tiền nợ 900 triệu đồng và tiền lãi, nếu không sẽ quản lý, sử dụng ngôi nhà 175 Quốc lộ 1 (phường Cam Lợi, TP Cam Ranh).
Nếu ông Định không trả tiền, bà Liêng sẽ yêu cầu cơ quan thi hành án đấu giá tài sản trên để thu hồi lại tiền. Tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Liêng và buộc ông Định phải trả số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.
Quyết định của Tòa án Nhân dân Khánh Hòa về việc bà Hội giao lại nhà cho ông Định để quản lý, thờ cúng.
“Nhà từ đường bố mẹ tôi để lại cho em tôi thờ cúng, quản lý nếu em về nước. Phán quyết của Tòa Khánh Hòa cũng quyết định tôi trả lại nhà cho em nhà chỉ để ở và thờ cúng. Thế nhưng không hiểu sao cũng chính Tòa Khánh Hòa lại chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Liêng, trong đó có chi tiết về ngôi nhà.
Tòa đã không tim hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đến tài sản cầm cố của vụ án. Đến nay, ngôi nhà đã bị bán lại cho 1 người tên Phương, trái với di nguyện của bố mẹ. Bà ấy đang đập căn nhà để sửa chữa lại, khi chúng tôi ý kiến với chính quyền địa phương thì họ nói em tôi đã bán nhà cho người ta, còn đòi hỏi gì nữa.
Chúng tôi mong các cơ quan chức năng can thiệp, thực hiện đúng quy định của pháp luật để ngôi nhà được giữ lại làm nơi thờ cúng như quyết định của Tòa phúc thẩm”, bà Hội trình bày.
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật đã quy định tài sản chỉ được thờ cúng thì không thể sang nhượng, buôn bán, cầm cố.
Ông Định trong di chúc được chỉ định là người được quyền quản lý căn nhà để làm từ đường. Ông Định không phải người thừa kế di sản mà chỉ được ở, quản lý, thờ cúng theo di chúc. Mọi cố gắng xác lập quyền sở hữu của cá nhân hay tổ chức lên di sản để thờ cúng đều vô hiệu, không tác dụng và trái luật.
Tuy nhiên ngôi nhà hiện đã bị đem ra thế chấp, cầm cố cho người khác.
Theo quy định, nếu ông Định muốn bán, sang nhượng ngôi nhà từ đường trên phải được những đồng thừa kế (gồm các chị của ông Định) lập văn bản xác nhận đồng ý.
Trong trường hợp ông Định nợ tiền người khác, chủ nợ có quyền yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa những tài sản đứng tên ông Định để đòi tiền nhưng không có quyền sửa chữa, thay đổi kết cấu của tài sản.
Tuy nhiên, ngôi nhà này không thuộc tài sản của ông Định, vậy mà Tòa án Khánh Hòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Liêng, để người ngoài tự ý sử dụng, sửa chữa ngôi nhà từ đường là trái với các quy định của Luật về di sản dùng vào việc thờ cúng, trái với phán quyết trước đó của Tòa này đối với ngôi nhà 175 Quốc lộ 1 (phường Cam Lợi, TP Cam Ranh).
Bộ luật dân sự 2005 quy định:
Điều 639. Nghĩa vụ của người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:
a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
Điều 670. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.