Mía đường Ninh Hòa: Cơ giới hóa để tự tin hội nhập

Thứ ba - 21/09/2021 13:47
Những năm gần đây, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trồng, chăm sóc, thu hoạch mía đường ngày càng trầm trọng. Trong bối cảnh đó, việc tăng tỷ trọng cơ giới hóa ở các công đoạn sản xuất, nhất là khâu thu hoạch để khắc phục tình trạng này là ưu tiên hàng đầu của Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa Ninh Hòa.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Mía đường Ninh Hòa: Cơ giới hóa để tự tin hội nhập

Những năm gần đây, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trồng, chăm sóc, thu hoạch mía đường ngày càng trầm trọng. Trong bối cảnh đó, việc tăng tỷ trọng cơ giới hóa ở các công đoạn sản xuất, nhất là khâu thu hoạch để khắc phục tình trạng này là ưu tiên hàng đầu của Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa Ninh Hòa (BHS-NH).


Thu hoạch mía bằng máy


Để đưa được máy móc vào khâu thu hoạch, khoảng 5 năm qua, BHS-NH luôn khuyến khích các hoạt động về cải tạo ruộng đồng, cùng với nông dân triển khai mạnh mẽ. Máy thu hoạch mía có nhiều ưu điểm như: cắt nhanh, đều đặn, mía được cắt sát gốc, phần ngọn mía cũng được máy xay nhuyễn ra, phủ lại mặt ruộng. Xe chở mía chạy song song với máy cắt mía, khi xe đầy mía sẽ chạy thẳng đến nhà máy đường để nhập mía, hạn chế được tình trạng mía nằm đồng gây hao hụt trọng lượng, chữ đường. Với cách làm này, 1 chiếc máy có thể thu hoạch được 2-3ha mía/ngày.

 

Thu hoạch mía bằng máy tại vùng mía Ninh Thượng.

Thu hoạch mía bằng máy tại vùng mía Ninh Thượng.


Theo những người trồng mía lâu năm, để thu hoạch 1ha mía có năng suất khoảng 60 tấn mía cần khoảng 60 người chặt mía trong 1 ngày. Trước thực trạng nhân công khan hiếm, việc thuê được hàng chục, hàng trăm lao động chặt mía rất khó khăn, nhất là ở những hộ có diện tích mía lớn, lên đến hàng chục héc-ta. Máy cắt mía với công suất gấp hàng trăm nhân công sẽ giúp người trồng mía giải được bài toán lao động. Qua tính toán, chi phí thu hoạch thủ công 1ha mía bao gồm công: chặt mía, bấm gốc, băm đọt, bốc mía lên xe… là 12 triệu đồng, trong khi làm bằng máy chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng.


Hiện nay, BHS-NH đã đầu tư 2 máy thu hoạch mía, có năng lực thu hoạch mỗi máy 400-500ha/vụ. Định hướng đến năm 2025, sẽ có khoảng 5 máy thu hoạch mía, đáp ứng mục tiêu đưa tỷ lệ thu hoạch mía bằng máy đạt 40% diện tích vùng nguyên liệu, góp phần giải quyết khó khăn trong khâu thu hoạch.


Hoàn thiện các khâu để áp dụng máy móc


Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc BHS-NH, để có thể thu hoạch bằng máy, nông dân đăng ký, công ty sẽ cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng mía cũng như một số chỉ tiêu cần thiết, như: mía được trồng hàng đôi, mỗi hàng cách nhau ít nhất 1,1m, mặt ruộng tương đối bằng phẳng, có độ dốc không quá 5%... Khoảng cách giữa các hàng mía lớn như vậy không chỉ đáp ứng được đòi hỏi của máy móc trong khâu thu hoạch, mà còn thuận tiện trong việc áp dụng máy móc vào các khâu chăm sóc, bón phân, xới đất…


Đối với mía trồng mới, nông dân còn được hỗ trợ hơn 50% chi phí cày ngầm, cày sâu nhằm nâng cao mức độ cải tạo đất, chống chọi tốt hơn với khô hạn trên vùng nguyên liệu. Đặc biệt, những chiếc máy trồng mía được áp dụng để mang lại tốc độ và độ đồng đều, hợp chuẩn nhằm đáp ứng được toàn bộ các khâu chăm sóc, thu hoạch sau này. Đối với mía lưu gốc, dịch vụ cơ giới cày ngầm bón phân để hạn chế thất thoát phân bón và chống hạn với hơn 30 máy kéo công suất lớn (trên 155HP) liên hợp thiết bị cày ngầm, bón phân ngầm… cũng được công ty đầu tư trang bị. Trong những vụ sản xuất tới, BHS-NH tiếp tục đầu tư máy kéo công suất lớn để đáp ứng kịp thời nhu cầu dịch vụ cho người trồng mía, cũng như tiếp tục tuyên truyền vận động hộ trồng mía ứng dụng chương trình cày sâu vào khâu làm đất, bón phân có lấp.


Ngoài ra, BHS-NH còn triển khai các giải pháp để tăng năng suất mía như: đầu tư hỗ trợ bã bùn và phân vi sinh được sản xuất từ bã bùn mía của nhà máy giúp cải tạo đất, tăng hữu cơ cho đất, đồng thời hỗ trợ chế phẩm phân bón lá để giúp cây mía sinh trưởng nhanh, mạnh trong mùa mưa, tăng năng suất trong điều kiện khắc nghiệt của địa phương. Ở các vùng có điều kiện tưới, công ty đầu tư vốn cho nông dân mua sắm máy móc, thiết bị, hệ thống tưới để người dân yên tâm sản xuất.


Niên vụ năm nay, BHS-NH đầu tư cho nông dân chi phí cày sâu giúp mía chống chịu hạn, đồng thời hỗ trợ 1 tấn phân hữu cơ và 2 triệu đồng để mua giống mới. Ngoài ra, nếu nông dân lắp đặt hệ thống tưới nước cho cây mía, công ty sẽ hỗ trợ đầu tư 10 triệu đồng. Cây mía nếu được tưới nước đầy đủ sẽ cho năng suất rất cao. Chẳng hạn như vụ mía vừa qua, gia đình ông Nguyễn Gia Cương (thôn Nông Trường, xã Ninh Sim) đầu tư hệ thống tưới phun mưa khoảng 20 triệu đồng, giúp năng suất mía thu hoạch lên đến 100 tấn/ha.


Ông Nguyễn Quốc Việt cho biết, sau hơn 3 năm mở cửa hội nhập, ngành mía đường Việt Nam nói chung và BHS-NH nói riêng đã gặp phải không ít thử thách. Cơ giới hóa để góp phần nâng cao năng suất cây mía là một trong những giải pháp cốt lõi đem lại lợi nhuận bền vững cho cây mía đường. Cùng với các chính sách thuận lợi của Chính phủ, với những giải pháp đồng bộ nêu trên, BHS-NH cùng nông dân vùng nguyên liệu vững tin cho những vụ mía thắng lợi sắp tới.


Hồng Đăng

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp