Lùm xùm tại dự án Khu biệt thự Quốc Anh (Khánh Hòa): Vì sao dân không hợp tác?

Thứ năm - 23/08/2018 01:14
Liên quan đến dự án “xẻ đất” (chủ yếu là đất rừng sản xuất) xây dựng biệt thự để bán, cho thuê Khu biệt thự Quốc Anh (xã Phước Đồng), chính quyền TP.Nha Trang cho rằng khu vực dự án từ năm 2016 đến 21.6.2017 thiếu thông tin chuyển nhượng đất nên không thể sử dụng phương pháp so sánh giá thị trường để tính giá bồi thường. Thực tế ra sao?

Thiếu thông tin chuyển nhượng đất?

Như Lao Động đã thông tin, việc áp giá đền bù (chủ yếu là đất rừng sản xuất nằm ngoài khu dân cư) tại dự án này rẻ bèo. Từ đây, nhiều đơn thư kiến nghị liên tục phát sinh. Ngày 31.5, UBND TP. Nha Trang có văn bản cho biết, hiện, dự án Khu biệt thự Quốc Anh đang trong giai đoạn thu thập hồ sơ, kiểm đếm để thiết lập hồ sơ bồi thường, giải tỏa và xác minh nguồn gốc đất.

Tuy nhiên, đến nay chỉ một số trường hợp liên hệ nộp hồ sơ, giấy tờ liên quan và còn nhiều trường hợp không hợp tác, không cung cấp hồ sơ nên công tác xác minh nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các hộ dân nằm trong ranh giới dự án cần cung cấp hồ sơ, các giấy tờ hợp pháp liên quan đến nguồn gốc đất và thời điểm xây dựng nhà ở để UBND xã Phước Đồng tiến hành họp xét, xác minh nguồn gốc quá trình sử dụng đất phục vụ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tại cuộc họp cùng chính quyền xã Phước Đồng và người dân vùng dự án mới đây, một vị đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang cho rằng: “Hồ sơ dự án này rất phức tạp. Nhiều trường hợp, hồ sơ đất đai chưa rõ ràng”. Trong khi đó, theo UBND TP. Nha Trang: “Qua kiểm tra, việc thu thập thông tin chuyển nhượng hợp pháp theo quy định của Điều 188 Luật Đất đai 2013 của các thửa đất nông nghiệp (chủ yếu là đất rừng sản xuất) tại khu vực thực hiện dự án Khu biệt thự Quốc Anh là rất khó khăn và thiếu cơ sở thông tin”.

Tuy vậy, theo tìm hiểu của PV, ngày 21.6.2017, UBND TP. Nha Trang có văn bản gửi Sở TNMT, UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt đơn giá bồi thường và giá đất tái định cư của dự án Khu biệt thự Quốc Anh. Tại phần xác định giá đất (mục Giá đất tính bồi thường) nêu: “Qua kiểm tra tình hình chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại khu vực xã Phước Đồng từ năm 2016 đến nay, khu vực dự án thiếu thông tin chuyển nhượng đất ở và đất nông nghiệp nên không thể áp dụng phương pháp so sánh giá thị trường”.

Thực tế, tại khu vực dự án đã diễn ra việc chuyển nhượng đất. Ví dụ như trường hợp ông L.T.H và bà P.T.A.H (trú phường Phước Tân, TP. Nha Trang) chuyển nhượng cho bà M.T.L (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) với một phần diện tích 200m2 tại thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng với giá 270 triệu đồng vào ngày 19.1.2017.

Dù là đất rừng nhưng giá trị sinh lời nay đã khác

Theo ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh cho rằng dự án này nằm ngoài khu dân cư, nên xét giá đất nông nghiệp thuần túy và đất rừng sản xuất. “Bản thân tôi khi họp với các ngành cũng đã có ý kiến giá đền bù như vậy là rất thấp (thấp nhất là hơn 20 nghìn đồng/m2 - PV). Vì vậy, người dân không đồng tình. Tôi cho rằng, tất nhiên khu vực dự án trước đây chủ yếu là đất rừng, nhưng bây giờ vùng đất này đã mở đường (dự án nằm ngay trên trục Đại lộ Nguyễn Tất Thành - PV) thì giá trị sinh lời đã khác so với ngày xưa” - ông Pháp nói.

Theo ông Pháp, sau khi các hộ dân có ý kiến, thì UBND TP. Nha Trang vừa cử đoàn về khảo sát lại khung giá đền bù của dự án. Đoàn sẽ báo cáo tỉnh, còn tỉnh có điều chỉnh hay không thì phải chờ.

“Người dân thắc mắc dự án này chủ trương thực hiện đúng mục đích hay không? Việc thẩm định và đưa ra kết luận dự án có phải dự án phát triển kinh tế - xã hội hay phục vụ lợi ích tư nhân, điều đó phụ thuộc vào Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh, các cơ quan tham mưu của tỉnh và cuối cùng là Nghị quyết thông qua dự án của HĐND tỉnh. Còn nếu chủ đầu tư có thiện chí hỗ trợ giá đền bù có lợi cho dân, chính quyền xã cũng đồng tình” - ông Pháp cho hay.

Ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc thẩm định mục đích dự án đó có phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hay không cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng, chặt chẽ, tránh tình trạng doanh nghiệp tư nhân “nhờ” đất Nhà nước quản lý để làm giàu cho họ thông qua việc bán, mua đất nền hoặc căn hộ. Nhà nước thu hồi đất thì chênh lệch địa tô giữa đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất ở phải bỏ vào “túi” ngân sách Nhà nước, để xây dựng các công trình phúc lợi khác cho nhân dân. Đặc biệt, nếu cho phép doanh nghiệp phân lô, bán nền thì Nhà nước thu giá trị đất ở phải theo giá thị trường.

Tác giả bài viết: NHIỆT BĂNG
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp