Nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19, cơ quan chức năng đã có những giải pháp, hướng dẫn cụ thể. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19, cơ quan chức năng đã có những giải pháp, hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa:
Nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai một số giải pháp sau: Cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như: du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu… để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định của pháp luật hiện hành; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.
Theo báo cáo của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn, đến ngày 31-1, có 231 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dư nợ bị thiệt hại 1.966 tỷ đồng. Trong đó, ngành Du lịch có 56 khách hàng, dư nợ hơn 1.448 tỷ đồng; nông nghiệp 105 khách hàng với 30,7 tỷ đồng; vận tải 55 khách hàng dư nợ hơn 289,7 tỷ đồng; lĩnh vực khác 15 khách hàng dư nợ 197 tỷ đồng.
Hệ thống NH đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, DN, trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều NH thương mại đã công bố giảm lãi suất, hỗ trợ DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Vietcombank giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại thuộc lĩnh vực vận tải, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày…), thời gian từ ngày 11-2 đến hết 30-4. Đối với khoản vay hiện hữu, Vietcombank giảm lãi suất 1% đến 1,5%/năm đối với khoản vay VND; 0,5% đến 0,75%/năm với các khoản vay USD. Đối với các khoản vay mới, NH giảm 1%/năm lãi suất vay VND và 0,5%/năm bằng USD. Ngoài giảm lãi suất cho vay, Vietcombank giãn thời hạn trả nợ và không tính lãi phạt đối với khách hàng bị thiệt hại do dịch bệnh này.
NamABank triển khai chương trình “Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch Corona” với hạn mức 100 tỷ đồng, áp dụng đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch thuộc các ngành nghề: du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch); lãi suất cho vay giảm 0,3%/năm đối với USD và giảm 0,5%/năm đối với VND; thời gian triển khai từ ngày 10-2 đến khi có thông báo của Tổng Giám đốc. VPBank giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm đối với DN bị thiệt hại lớn do dịch bệnh thuộc lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, xuất khẩu nông sản... Agribank cũng đang rà soát và nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do vi rút SARS-CoV-2 gây ra để có hỗ trợ kịp thời như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay…
N.D (ghi)
Bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ tới đời sống, thu nhập, việc làm của NLĐ. Với tình hình đó, sở đã chủ động có văn bản hướng dẫn các đơn vị, DN thực hiện chế độ, chính sách theo quy định cho NLĐ. Hiện nay, sở tiếp tục theo dõi, tổng hợp số lượng DN, lao động ngừng việc, nghỉ việc để báo cáo UBND tỉnh và các ngành chức năng. Sở đã yêu cầu các DN phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, ưu tiên những biện pháp phòng, chống dịch bệnh tốt nhất để duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ. Với trường hợp NLĐ phải nghỉ việc để phòng, chống dịch thì DN phải thỏa thuận với NLĐ về trả lương ngừng việc nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Đối với những NLĐ bị mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải nghỉ việc để điều trị và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) không phải trả lương ngừng việc, NLĐ được giải quyết chế độ ốm đau. Đặc biệt, đối với trường hợp do dịch bệnh (lý do bất khả kháng) mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc thì NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng phải báo cho NLĐ biết trước: ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Ngoài ra, để thông tin kịp thời đến NSDLĐ và NLĐ về nhu cầu tuyển dụng lao động, tìm kiếm việc làm, sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, phát triển thông tin thị trường lao động; thực hiện dự báo thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động và chỗ làm việc trống, việc tìm người, người tìm việc trên trang thông tin điện tử www.vieclamkhanhhoa.com.vn và http://www thongtinvieclamkhanhhoa.vn để giúp NSDLĐ và NLĐ biết và kết nối cung, cầu lao động một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, chủ động tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ đảm bảo đúng quy định.
VĂN GIANG (ghi)
Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương:
Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản
Trong bối cảnh dịch bệnh do Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều DN, ngành hàng lo ngại sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là các ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu, cũng như thị trường xuất khẩu từ Trung Quốc như: Dệt may, xuất khẩu nông sản… Chính vì vậy, ngành Công Thương sẽ hỗ trợ các DN tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế. Đồng thời, sở thường xuyên liên hệ với Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cao để có những thông tin về tình hình thông thương ở các cửa khẩu nhằm cung cấp thông tin chính xác cho các DN có hàng xuất khẩu đi Trung Quốc. Sở kết nối các siêu thị và các DN phân phối, chuỗi cung ứng thực phẩm trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung rà soát, đưa ra những giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực trên địa bàn theo các cơ chế của Chính phủ và tỉnh ban hành; tạo điều kiện để các nhà đầu tư thứ cấp tại các cụm công nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động. Những dự án lớn sẽ được ưu tiên tháo gỡ khó khăn. Sở cũng sẽ thực hiện tốt công tác quản lý điện, hỗ trợ DN đầu tư vào các công trình điện trên địa bàn, bảo đảm đúng quy hoạch, bảo đảm nguồn cung điện cho sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt. Song song đó, sở đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, bảo đảm công khai minh bạch, giảm thiểu thời gian, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, DN…
Đình Lâm (ghi)
Ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh:
Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có chính sách miễn, giảm thuế
Theo quy định của các luật thuế, người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh được xét miễn, giảm, gia hạn nộp thuế. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đối với trường hợp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cục Thuế tỉnh đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét có chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ DN và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh… nhưng chưa có hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về vấn đề này.