Chuỗi liên kết sản xuất xoài VietGAP: Cần trợ lực để phát triển

Thứ hai - 24/02/2020 08:59
Chuỗi cung cấp xoài sạch Cam Lâm tuy mới hình thành nhưng đã có những tín hiệu tích cực. Tuy vậy, để chuỗi cung cấp xoài nơi đây đạt hiệu quả cao và bền vững cần có sự trợ lực từ nhiều phía.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Chuỗi liên kết sản xuất xoài VietGAP: Cần trợ lực để phát triển
Chuỗi cung cấp xoài sạch Cam Lâm tuy mới hình thành nhưng đã có những tín hiệu tích cực. Tuy vậy, để chuỗi cung cấp xoài nơi đây đạt hiệu quả cao và bền vững cần có sự trợ lực từ nhiều phía.
 
Liên kết sản xuất xoài sạch 
 
Huyện Cam Lâm hiện có gần 5.500ha xoài, khoảng 85% trong số đó đang cho thu hoạch. Với năng suất phổ biến ở mức 8,2 tấn/ha, mỗi năm, vùng xoài lớn nhất tỉnh Khánh Hòa này cho ra thị trường khoảng 38.000 tấn quả tươi. Các giống xoài chủ yếu là: canh nông (958ha), Úc (2.551ha), Hòa Lộc (785ha), tứ quý (905ha)… Tuy có diện tích, sản lượng lớn, chất lượng tốt nhưng nhiều năm qua, con đường đến với thị trường của xoài Cam Lâm gặp không ít trắc trở và thiếu tính bền vững. Hiệu quả của cây xoài vì thế chưa như mong đợi.
Hơn 1 năm trước, nhiều hộ trồng xoài ở huyện Cam Lâm đã bắt tay nhau quyết tâm trồng xoài theo chuẩn VietGAP. Cụ thể, các tổ hợp tác trồng xoài: Cam Hải Tây - Cam Đức; Cam Hiệp Bắc; Cam Hiệp Nam và Khánh Hòa Food đã áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên diện tích hơn 60ha. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực về canh tác an toàn, đến cuối năm 2019, sản phẩm xoài của các tổ hợp tác đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Chưa hết, những trái xoài thanh ngọt của các tổ hợp tác này còn được cơ quan chuyên môn hỗ trợ quy trình truy xuất nguồn gốc qua mã QR code. Thêm mắt xích quan trọng nữa được đưa vào chuỗi sản xuất xoài sạch đó là việc Công ty TNHH một thành viên Khánh Hòa Food đứng ra bao tiêu sản phẩm, sơ chế và chăm lo thị trường.
 
Đây là mô hình do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kết hợp với Phòng Kinh tế huyện Cam Lâm xây dựng có tính chất làm điểm, tạo dấu ấn để từ đó lan tỏa thành hướng đi cần thiết cho sự phát triển bền vững của sản phẩm xoài được trồng, chăm sóc và thu hoạch ở Cam Lâm. Theo ông Dương Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khánh Hòa Food, đơn vị đã liên kết với các hộ chuyên trồng xoài VietGAP: Sản phẩm xoài sạch được công ty thu mua, chế biến và đưa ra thị trường, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong nước và một số thị trường như: Hồng Kông, Úc, Singapore… Tuy sản lượng chưa nhiều nhưng đây đang là hướng đi đầy triển vọng với mục tiêu nâng cao hơn nữa giá trị xoài Cam Lâm.
 
 
Nông dân Cam Lâm thu hoạch xoài. Ảnh: Q.Viên
Nông dân Cam Lâm thu hoạch xoài. Ảnh: Q.Viên
 
 
 
Còn những khó khăn
 
Mới đây, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm và các đơn vị chuyên môn tổ chức tìm hiểu mô hình chuỗi liên kết sản xuất xoài VietGAP ở Cam Lâm. Theo phản ánh của các hộ trồng xoài, những năm qua, Nhà nước đã quan tâm thực hiện dự án đưa nước tưới về cho vùng xoài Cam Lâm, nhưng đến nay, nguồn nước từ các hồ chứa như: Suối Dầu, Cam Ranh, Tà Rục vẫn chưa về được với hầu hết diện tích trồng xoài của huyện. Ngoài ra, các vườn xoài vẫn chưa có hệ thống điện 3 pha, gây khó khăn cho người dân khi đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ bơm tưới, chăm sóc xoài.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án đưa nước về phục vụ tưới xoài trên cơ sở nâng cấp hệ thống kênh từ 2 hồ Suối Dầu và Cam Ranh, thuộc dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh ảnh hưởng bởi hạn hán của Bộ NN-PTNT. Dự án đặt kỳ vọng cung cấp nước chủ động đến 85% cho 4.000ha xoài và 2.000ha lúa, hoa màu tại Cam Lâm. Đến cuối năm 2019, dự án vẫn đang ở giai đoạn lựa chọn nhà thầu tư vấn. Trong khi đó, dự án Xây dựng kênh chính cánh bắc hồ chứa nước Tà Rục (có khả năng đưa nước tưới đến vùng xoài Cam Lâm) cũng đang ở giai đoạn chờ vốn. 
 
“Để phát huy giá trị xoài Cam Lâm, thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án để hỗ trợ phát triển xoài Cam Lâm theo hướng bền vững. Trong đó, xây dựng hệ thống cung cấp nước để các vùng sản xuất xoài ở Cam Lâm chủ động nguồn nước tưới; kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ kéo điện tới các vùng sản xuất cho người dân. Đối với tiêu thụ xoài, sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ địa phương, các doanh nghiệp tổ chức quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường nội địa và tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu”, ông Lê Tấn Bản cho biết.
 
Một khó khăn khác đó là trong số hơn 320 tấn xoài VietGAP mỗi năm của 4 tổ hợp tác nói trên, số lượng xoài đạt tiêu chí xuất khẩu hoặc nằm trên kệ hàng siêu thị chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Số lượng xoài loại 2, loại 3 còn khá nhiều và nông dân phải chấp nhận bán giá rẻ, thậm chí rẻ hơn hàng chợ nhằm giải quyết cho hết sản lượng. Vì thế, nơi đây đang cần nhiều cơ sở chế biến xoài đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng các đòi hỏi về nguồn gốc, nhãn mác, thương hiệu… của thị trường. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được Sở NN-PTNT, UBND huyện Cam Lâm xác định phải quan tâm trong quá trình kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến xoài tại Cam Lâm để hoàn thiện nốt những mắt xích quan trọng trong chuỗi thực phẩm an toàn này.
 
Hồng Đăng
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp