Kỳ 2: Buông lỏng quản lý
Trong lúc người dân còn chưa đồng thuận với chính sách bồi thường, tái định cư (TĐC) dự án đường Đầm Môn thì hàng chục hộ dân đã được cấp đất TĐC quay lại lấn chiếm, làm nhà trên nơi ở cũ. Điều này khiến cho sự việc càng trở nên rối ren, rơi vào cảnh khiếu nại khắp nơi.
Chiếm đất, xây dựng trái phép
Trở lại xã Vạn Thọ, nơi dự án đường Đầm Môn đang được triển khai thi công vào cuối tháng 4, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi chính nơi đã được giải tỏa lại mọc lên những căn nhà kiên cố san sát nhau. Ngay khu vực ngã ba đường vào thôn Tuần Lễ, một dãy 5 căn nhà liền kề vừa xây, còn thơm mùi sơn mới. Một số căn chưa hoàn thiện, các gia đình vẫn ngang nhiên sử dụng máy móc và nhân công gấp rút xây dựng. Đi dọc tuyến đường đang thi công, chúng tôi nhận thấy còn nhiều căn nhà khác cũng mới mọc lên ngay sát chân đồi Cô Đơn. Đây là khu vực mà cách đây chưa lâu vẫn còn là đồi cát trắng xen lẫn những cây dương già, hiện nay bị máy múc đào sâu tạo mặt bằng lấn chiếm xây nhà, thậm chí ngay trên triền đồi có gia đình còn dựng nhà tạm để ở. Bà N.T.K.A., người dân thôn Tuần Lễ tiết lộ: “Những hộ này đều đã được bồi thường và cấp đất TĐC trước đó, nhưng họ lại bán đi, về lại nơi ở cũ, tái lấn chiếm, xây thụt lùi về phía sau nền đất cũ. Nhiều nhà múc đồi cát, lấn chiếm đất rừng dương. Có gia đình, sau khi bán đất TĐC, lấn chiếm dựng nhà, mua cả ô tô con làm phương tiện đi lại. Các hộ khác bị ảnh hưởng bởi dự án rất bức xúc với cách làm này, nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền không xử lý triệt để”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ thừa nhận, có tình trạng người dân đã được cấp đất TĐC quay trở lại lấn chiếm đất giải tỏa trước đó để xây nhà trái phép. Theo thống kê sơ bộ, có 14 trường hợp chiếm đất xây nhà. Ông Thông khẳng định, những trường hợp này đã bị xã lập biên bản đình chỉ xây dựng. Thế nhưng, khi được hỏi vì sao trong suốt một thời gian dài, người dân chiếm đất làm nhà trái phép, chính quyền địa phương lại không vào cuộc quyết liệt ngăn chặn, ông Thông cho rằng, người dân cố tình xây dựng lén lút thì làm sao chính quyền có thể kiểm soát hết được.
Thi nhau phá rừng bần
Trao đổi với các hộ bị thu hồi đất, nhiều người cho rằng, trong đền bù, giải tỏa đã có những trường hợp đất lấn chiếm nhưng vẫn được bồi thường và TĐC. Thậm chí, ông Nguyễn Sơn (người có đất bị thu hồi) lập hẳn một danh sách 31 hộ có nguồn gốc đất lấn chiếm nhưng được hưởng chính sách bồi thường và TĐC như các hộ đất có sổ đỏ. Khi đơn khiếu nại không được giải quyết thỏa đáng, ông Sơn còn làm đơn khởi kiện.
Không chỉ lấn chiếm đất ở đồi Cô Đơn, đồi Dương, người ta còn thi nhau phá rừng bần để san lấp, cơi nới đất sử dụng. Trong câu chuyện với phóng viên, có người chua chát nói: “Ở xã Vạn Thọ, chẳng có gì dễ bằng chiếm đất”. Câu nói làm chúng tôi không khỏi giật mình. Song, nhìn vào thực tế tại địa phương, chúng tôi phần nào hiểu được điều đó. Người này lấn được, chiếm được, thì người khác cũng lấn chiếm theo. Chỉ trong một thời gian ngắn, rừng bần cổ thụ quý hiếm bậc nhất Việt Nam cũng bị bức tử không thương tiếc bởi bàn tay con người.
Theo số liệu điều tra của Xí nghiệp Đo đạc bản đồ nông nghiệp II, vào năm 2002, rừng ngập mặn tại Tuần Lễ có diện tích hơn 165.730m2, với diện tích rừng tự nhiên hơn 108.000m2, còn lại là đất thổ cư, ao đìa mặt nước… Trong khu vực rừng có 62 hộ có nhà ở, lều quán buôn bán sinh sống lâu năm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khu vực rừng ngập mặn (hay còn gọi là rừng bần) đã có 96 căn nhà được xây dựng. Như vậy, sau 18 năm, đã có thêm 34 căn nhà trái phép mọc lên, 62 căn nhà trước đó bây giờ cũng được sửa chữa cơi nới, xây dựng lớn hơn so với hiện trạng. Hầu hết các hộ đã làm nhà kiên cố, một vài gia đình còn làm cả biệt thự trên đất rừng ngập mặn. Đau lòng hơn, gần như toàn bộ rừng bần đã bị xóa sổ. Những cây cuối cùng còn sót lại cũng đang bị bức tử chết dần. Điều đáng nói, toàn bộ các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất rừng ngập mặn, xây dựng trái phép đều nằm trong hành lang an toàn đường bộ tuyến Đầm Môn.
Lý giải về việc rừng bần bị xóa sổ, lãnh đạo UBND xã Vạn Thọ cho biết, năm 2017, khi có thông tin Vạn Ninh trở thành Đặc khu hành chính kinh tế Bắc Vân Phong, cộng với bão số 12 tàn phá nên người dân lợi dụng chặt phá cây bị gãy đổ, lấn chiếm đất, cơi nới xây dựng nhà ở. Trong quá trình sửa chữa nhà do bão số 12 làm hư hỏng, người dân đều xây dựng kiên cố và lớn hơn hiện trạng ban đầu. Khi xã phát hiện thì công trình xây dựng đã vượt thẩm quyền dẫn đến khó xử lý, các trường hợp chỉ dừng lại ở mức lập biên bản đình chỉ xây dựng. Trong những năm qua, xã đã phát hiện 40 trường hợp chiếm đất, lấn đất tại khu vực rừng ngập mặn.
Sự biện minh của chính quyền địa phương thực sự chưa thuyết phục, bởi việc lấn chiếm rừng bần đã diễn ra suốt một thời gian dài. Thế nhưng mãi đến năm 2019, UBND xã mới tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính 22 trường hợp xây dựng nhà trong hành lang an toàn đường bộ tuyến Đầm Môn (nằm trong phạm vi rừng ngập mặn). Đồng thời, đến nay, cũng mới có 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành.
Chính quyền xử lý thiếu quyết liệt
Để xảy tình trạng người dân chiếm đất và lấp phá rừng bần để xây nhà rõ ràng trách nhiệm của địa phương không hề nhỏ. Nói một cách công tâm, sự vào cuộc của chính quyền xã Vạn Thọ là có, nhưng chưa đủ quyết liệt. Chính điều này đã gây ra những hệ lụy hết sức to lớn, không chỉ ảnh hưởng đến công tác bồi thường giải tỏa khi có dự án mà còn làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Dù lãnh đạo xã lý giải việc chậm trễ, thiếu quyết liệt là do còn lúng túng trong việc xác định cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc dẫn đến quá thời hạn và kéo dài, song trao đổi với phóng viên, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh khẳng định, việc để người dân đã được bố trí TĐC quay trở lại nơi ở cũ để tái chiếm, xây dựng nhà trái phép thuộc trách nhiệm của chính quyền xã Vạn Thọ. Địa phương đã buông lỏng quản lý nên mới xảy ra tình trạng này. Đối với những trường hợp lấn chiếm đất tại khu vực rừng bần để xây dựng, tuy xã đã thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý, nhưng việc xử lý của UBND xã chưa thật sự hiệu quả, dứt điểm. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo để xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp này. “Về tin đồn địa phương phân lô, bán nền tại thôn Tuần Lễ, tôi khẳng định không có tình trạng này. Qua kiểm tra hiện trạng, trong khu vực nói trên có một số cột bê tông rào chắn do các hộ lấn chiếm mới sử dụng làm ranh giới. UBND xã đã lập kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ, huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ địa phương thực hiện trong thời gian tới”, ông Phẩm nói.
Nhật Minh - Thành Nam
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Thời gian tới, sẽ cưỡng chế tháo dỡ nhà của 14 hộ tái lấn chiếm. Đối với các hộ này, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã Vạn Thọ kiểm kê, lên phương án cưỡng chế, tháo dỡ công trình, theo đúng các trình tự, quy định của pháp luật. Huyện sẽ chỉ đạo địa phương làm quyết liệt, không để tình trạng này tái diễn.
__________________________________________
Theo lãnh đạo huyện Vạn Ninh, việc áp giá bồi thường đất cho các hộ tại dự án đường Đầm Môn được Hội đồng bồi thường căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013, đồng thời căn cứ vào Quyết định số 2117 ngày 21-7-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt giá đất. Đối với bồi thường tài sản trên đất, Hội đồng bồi thường áp dụng theo Quyết định 25/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy định bảng giá xây dựng các loại công trình, vật kiến trúc và chi phí đền bù hỗ trợ một số công trình trên địa bàn tỉnh. Riêng chính sách TĐC, hội đồng áp dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Thời gian qua, các đơn khiếu nại của người dân liên quan đến dự án đường Đầm Môn đã được huyện tiến hành giải quyết nhiều lần thông qua đối thoại cũng như ra quyết định giải quyết khiếu nại nhưng người dân vẫn chưa đồng tình.
Mới đây, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác để thanh tra toàn bộ các vấn đề liên quan đến đất đai tại xã Vạn Thọ mà người dân khiếu nại. Báo Khánh Hòa sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi UBND huyện chính thức kết luận thanh tra.
Kỳ 1: Lùm xùm giải tỏa