Tuy đã nhiều lần cảnh báo nhưng một số người dân vẫn sập bẫy những thủ đoạn cũ của bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Nhiều trường hợp bị lừa
Ngày 20-4, bà K. (phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) đến Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cung cấp tờ sao kê giao dịch ngân hàng và làm rõ thêm những tình tiết vụ việc. Bà K. kể lại: “Có người gọi cho tôi theo số điện thoại bàn, tự xưng nhân viên bưu chính viễn thông thông báo một ngân hàng ở Hà Nội gửi thư yêu cầu thanh toán 36 triệu đồng. Tôi nói không vay ngân hàng. Họ nói ở Khánh Hòa có nhiều người bị lừa lắm nên Trung tâm Bưu chính viễn thông có số đường dây nóng của Bộ Công an và đề nghị tôi gọi cho Bộ Công an xác minh. Tôi tin nên đề nghị họ nối máy gọi đến số điện thoại nóng của Bộ Công an thì gặp một người xưng tên Cường nói đang điều tra vụ án liên quan đến đường dây rửa tiền, một người bị bắt khai tôi hợp tác với anh ta, trong khi tôi không biết người đó. Họ gửi cho tôi hình ảnh chụp văn bản của viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt tôi. Lúc đó sợ quá, nên khi họ hỏi, tôi nói có gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng. Người này yêu cầu tôi gặp người cấp cao hơn tự xưng tên Bảo cho biết, hồ sơ của tôi liên quan đến nhiều tài khoản rửa tiền rất nghiêm trọng. Tôi lo sợ thì họ nói chỉ còn cách mở một tài khoản ở ngân hàng khác theo chỉ định, tài khoản vẫn đứng tên tôi để Bộ Công an xác minh. Chiều hôm đó, tôi gửi 430 triệu đồng vào tài khoản. Gửi xong, họ gửi cho tôi một đường link, tôi tải về hiện lên app của Bộ Công an và tôi làm các thao tác theo yêu cầu, nhập số điện thoại, xác nhận. Sáng hôm sau, họ yêu cầu tôi nộp thêm tiền, tôi lại chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản và lặp lại các thao tác tương tự. Họ vẫn tiếp tục yêu cầu chuyển tiền, tôi nói đã hết tiền thì họ nói sẽ thông báo sau. Tôi nghĩ tiền đó nằm trong tài khoản đứng tên mình nên an toàn. Khoảng hơn 1 tuần sau, tôi tới ngân hàng kiểm tra, toàn bộ tiền trong tài khoản đã bị chuyển hết”. Khi kiểm tra sao kê bà K. cung cấp, các giao dịch chuyển tiền chỉ diễn ra 1 - 2 phút; trong vòng 1 giờ, toàn bộ tiền bốc hơi khỏi tài khoản bà K.
Hiện nay, các vụ giả danh công an để lừa đảo đang diễn biến phức tạp. Chỉ trong 1 tuần giữa tháng 4, đã có 3 trường hợp đến Phòng Cảnh sát hình sự báo cáo bị đe dọa và yêu cầu chuyển tiền. Từ tháng 11-2019 đến nay, riêng Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận 6 vụ, trong đó 3 vụ chưa xảy ra thiệt hại do người dân đến cơ quan công an trình báo kịp thời và được hướng dẫn để tránh xảy ra thiệt hại; 3 vụ bị chiếm đoạt số tiền 6,63 tỷ đồng. Quý I/2020, có 7 vụ lừa đảo qua mạng xã hội, với số tiền bị chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng.
Các ngân hàng cần gia tăng cảnh báo đến khách hàng
Theo Thiếu tá Lương Lê Vân - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, thời gian qua nổi lên 2 phương thức, thủ đoạn lừa đảo xảy ra phổ biến, gây thiệt hại lớn cho bị hại là gọi điện thoại bằng đường truyền VoIP giả danh đại diện cơ quan công quyền để chiếm đoạt tài sản; lừa đảo “bẫy tình” qua mạng xã hội với thủ đoạn làm quen, gửi quà tặng rồi yêu cầu nộp tiền phí để nhận các bưu kiện, bưu phẩm. Khi thiệt hại xảy ra, đơn vị phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để truy xét, xác minh đối tượng. Tuy nhiên, để làm rõ đối tượng, thu hồi tài sản cho người bị hại rất khó khăn nên giải pháp chính vẫn là các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa. Đơn vị triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa như: Phát hành tờ rơi cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản để các ngân hàng cảnh báo cho khách hàng đến giao dịch; phối hợp với công an cấp cơ sở phát tờ rơi, lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt định kỳ; xây dựng fanpage Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh trên facebook thông tin các thủ đoạn để nhân dân cảnh giác hơn đối với loại tội phạm này. Đặc biệt, tội phạm này chiếm đoạt tiền qua các tài khoản của ngân hàng nên các ngân hàng cần gia tăng cảnh báo tới khách hàng. Các vụ việc lừa đảo vừa qua, khi cơ quan công an làm việc với người bị hại, họ đều khẳng định chưa nhận được tờ rơi hoặc chủ động cảnh báo lừa đảo từ ngân hàng. Vì thế, trong thời gian tới, các ngân hàng cần phát tờ rơi cảnh báo tới khách hàng, yêu cầu giao dịch viên quan tâm hỏi khách hàng khi họ rút tiết kiệm lớn hoặc chuyển số tiền lớn một cách đột ngột, để nhận biết ngay dấu hiệu lừa đảo, cảnh báo khách hàng kịp thời.
Vừa qua, nhiều ngân hàng đã thông báo cảnh báo hàng loạt thủ đoạn lừa đảo như: trộm thông tin tài khoản, chiếm đoạt tài sản khách hàng qua giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của ngân hàng, tin nhắn của cơ quan công an, tòa án… gửi cho khách hàng; mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo cho khách hàng có khoản tiền chuyển vào tài khoản nhưng bị lỗi giao dịch, hoặc tài khoản của khách hàng đã bị xâm nhập, thông báo được người khác gửi tiền... rồi yêu cầu xác thực thông tin cá nhân, cung cấp user, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch (OTP; Smart OTP); dụ thực hiện giao dịch qua đường link giả để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng; lừa đảo qua email, tin nhắn có nội dung liên quan đến dịch Covid-19 để phát tán mã độc, lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng… Vì vậy, yêu cầu đầu tiên là các khách hàng cần bảo vệ tuyệt đối thông tin cá nhân.
NAM DU
Theo cảnh báo từ cơ quan công an, để tránh bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo, người dân cần lưu ý: Một trong những dấu hiệu nhận biết là các số điện thoại đối tượng lừa đảo sử dụng thường bắt đầu bằng dấu +. Cơ quan công an chỉ mời, triệu tập những người có liên quan tới các vụ án bằng giấy mời, giấy triệu tập gửi qua công an địa phương, không làm việc qua điện thoại nếu không có sự thống nhất từ trước với người dân; không có cơ quan chức năng nào của Việt Nam yêu cầu người dân chuyển tiền của mình vào tài khoản của người khác để điều tra, xác minh hay đóng phí dịch vụ bưu điện, phí hải quan… Vì vậy, người dân cần cảnh giác với các cuộc điện thoại thông báo nợ cước điện thoại, thông báo nhận quà, trúng thưởng và đề nghị nộp tiền.