Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh

Chủ nhật - 15/03/2020 15:17
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những tháng đầu năm, đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu giảm đáng kể. Để vượt qua khó khăn, các DN đang đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thị trường.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những tháng đầu năm, đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu giảm đáng kể. Để vượt qua khó khăn, các DN đang đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thị trường.
 
Kế hoạch bị ảnh hưởng
 
Toàn tỉnh có hơn 130 DN tham gia xuất khẩu đến 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt 1.490,05 triệu USD, tăng 13,47% so với năm 2018 và vượt kế hoạch đề ra năm 2019 là 10,37%; các sản phẩm xuất khẩu đều tăng so với năm trước. Trong đó, tàu biển xuất khẩu được 16 chiếc, trị giá ước đạt 520,85 triệu USD, tăng 39,23%. Hàng thủy sản ước xuất khẩu 106.000 tấn các loại, trị giá khoảng 614,5 triệu USD, tăng 7,3% về giá trị so với năm trước. Mặt hàng dệt may cũng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định với 75,35 triệu USD, tăng 5,32%. Riêng mặt hàng cà phê ước đạt 84.660 tấn, trị giá 120,03 triệu USD, tăng 8,08% về lượng song lại giảm 6,05% về giá trị. Các sản phẩm còn lại như: gỗ, thuốc lá điếu, mây tre cũng đạt hơn 100 triệu USD.

 

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.
 
Năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1.530 triệu USD, tăng 2,68% so với năm 2019. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên kế hoạch bị ảnh hưởng đáng kể. Tháng 2, ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh chỉ đạt khoảng 97,16 triệu USD, giảm 39,44% so với tháng trước, tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 257,61 triệu USD, giảm 7,56% so với cùng kỳ năm trước. 
 
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, các chỉ số đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nếu dịch kết thúc cuối quý I thì xuất khẩu trong quý ước đạt 335 triệu USD, giảm 15%; nếu dịch kết thúc vào quý II, xuất khẩu trong quý ước đạt 360 triệu USD, giảm 11,9%.  
 
Nỗ lực Khắc phục khó khăn
 
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, các DN có kim ngạch xuất khẩu lớn đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất và bàn giao hàng đúng tiến độ cho đối tác. Tại Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (HVS), mọi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. 2 tháng đầu năm, đơn vị đã xuất khẩu được 4 con tàu. Công ty tận dụng mọi khả năng để có thể bàn giao tàu trong thời gian sớm nhất. Ông Go Jin Young - Tổng Giám đốc HVS cho biết: “Hiện nay, không khí làm việc tại nhà máy rất khẩn trương để bàn giao các đơn hàng đúng hạn cho đối tác. Tình hình sản xuất kinh doanh cũng không có nhiều biến động, bởi đơn vị đã xây dựng được uy tín trên thị trường thế giới. Chúng tôi mong tỉnh tạo điều kiện để có thể tiết giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Kế hoạch trong năm nay, HVS sẽ xuất khẩu 17 con tàu, nhưng vì dịch bệnh, các đối tác không đi lại được để thỏa thuận hợp đồng nên ảnh hưởng đến kế hoạch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phấn đấu sẽ đóng và bàn giao 15 tàu”.
 
Các DN chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may cũng đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất nhằm bình ổn tình hình trước mắt. Nhiều đơn vị xác định đây là thời điểm cần phải cơ cấu lại sản xuất, tìm kiếm thị trường khác mang tính ổn định; đồng thời, tiếp tục biến khó khăn thành cơ hội để kinh doanh, xuất khẩu. Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết: “Lâu nay, nguyên liệu vải chủ yếu nhập từ Trung Quốc, nhưng hiện nay, nguồn vải từ thị trường này bị cắt. Đây chính là cơ hội để vải Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới cũng như cung cấp cho các đối tác trong nước. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là cơ hội để khẳng định vị thế vải Việt Nam. Hiện nay, nhiều đối tác đã nghiên cứu tìm hiểu nguồn cung ứng sợi, dệt tại nhà máy của chúng tôi. Tôi nghĩ, chúng ta cần tranh thủ cơ hội này”.

 

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.
 
Được biết, mới đây, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Điều này sẽ góp phần tạo cú hích lớn cho các mặt hàng sản xuất trong nước. Trong đó, Khánh Hòa sẽ có nhiều lợi thế về xuất khẩu thủy sản, chế biến gỗ, dệt may... Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức các hội nghị phổ biến kiến thức về hội nhập, giúp các DN kịp thời nắm các chính sách về xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị giao thương, kết nối DN xuất khẩu, tạo điều kiện để các DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Ngoài ra, Khánh Hòa cũng khuyến khích các đơn vị chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến, có hàm lượng công nghệ cao. Các DN cũng cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có những điều chỉnh phù hợp trong sản xuất kinh doanh; hoàn thiện các quy trình sản xuất, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thị trường hiện nay”.
 
ĐÌNH LÂM
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp